menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong ba năm

12:09 14/07/2023

Xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm với tốc độ nhanh nhất vào tháng 6/2023 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 3 năm. Nguyên nhân là do nền kinh tế toàn cầu suy yếu, gây áp lực ngày càng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về các biện pháp kích thích mới.

Đà phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch đã chậm lại sau khi phục hồi nhanh chóng trong quý đầu tiên. Các nhà phân tích hiện đang hạ dự báo về nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm do sản lượng của các nhà máy chậm lại trước nhu cầu toàn cầu liên tục yếu.

Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc công bố vào thứ Năm (13/07) cho thấy, các chuyến hàng xuất khẩu từ nước này đã giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 7,5% trong tháng 05/2023.

Nhập khẩu giảm 6,8%, cao hơn mức giảm 4,0% dự kiến và mức giảm 4,5% của tháng 06/2023.

Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Suy thoái toàn cầu về nhu cầu hàng hóa sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu”, xuất khẩu có khả năng sẽ tiếp tục giảm trước khi chạm đáy vào cuối năm nay.

“Nhưng tin tốt là sự suy giảm nhu cầu nước ngoài tồi tệ nhất có lẽ đã qua rồi,” bà nói thêm.

Lv Daliang, phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, đổ lỗi cho hoạt động xuất khẩu kém là do "sự phục hồi kinh tế toàn cầu yếu kém, thương mại và đầu tư toàn cầu chậm lại, cũng như chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và địa chính trị gia tăng".

Xuất khẩu sang Mỹ - điểm đến hàng đầu của hàng hóa Trung Quốc - đã giảm nhiều nhất trong số các đối tác thương mại lớn của nước này trong nửa đầu năm do căng thẳng ngoại giao gia tăng, ngoài ra còn do lùm x về công nghệ chip và các vấn đề khác, trong khi xuất khẩu sang Nga tăng mạnh.

Với xuất khẩu chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn chiếm khoảng 1/3, triển vọng phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc đã yếu đi sau khi các đợt phong tỏa liên quan đến COVID đã tác động xấu đến nền kinh tế vào năm 2022.

Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn khoảng 5% cho năm nay, sau khi bỏ lỡ mục tiêu năm ngoái.

Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang, người đã nhậm chức vào tháng 3, đã hứa sẽ đưa ra các biện pháp chính sách để thúc đẩy nhu cầu và tiếp thêm sinh lực cho thị trường, sau đó một số bước cụ thể đã được triển khai, thế nhưng các nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trượt giá so với đồng USD sau khi dữ liệu được công bố, nhưng các nhà phân tích cho biết sự yếu kém của tiền tệ dự kiến sẽ được hạn chế khi các nhà đầu tư đặt mục tiêu vào cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng tới.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Câu hỏi lớn trong vài tháng tới là liệu nhu cầu trong nước có thể phục hồi mà không cần nhiều biện pháp kích thích hay không”.

Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã bị thu hẹp trong những tháng gần đây, trong khi giá tiêu dùng bấp bênh trên bờ vực giảm phát vào tháng 06/2023 và giá sản xuất giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm.

Nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc đã giảm 13,6% trong tháng 6, chậm hơn so với mức giảm 15,3% trong tháng 5, báo hiệu nhu cầu hạn chế của các nhà sản xuất Trung Quốc đối với các linh kiện tái xuất dưới dạng thành phẩm.

Nhu cầu về nguyên liệu thô cũng có dấu hiệu suy yếu, với nhập khẩu đồng giảm 16,4% trong tháng 06/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters