Cơ cấu tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Hoa Kỳ so với các thị trường khác trong năm 2019. Biểu đồ: T.Bình.
Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%.
Năm 2019 chứng kiến mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam với con số lên đến 11,12 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% (với tổng kim ngạch 116,86 tỷ USD), một tỷ lệ áp đảo so với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ giao thương.
Cụ thể, năm 2019, nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,41 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,1% so với 1 năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên đến 75,45 tỷ USD, tăng tới 15,2%.
Năm 2019, Trung Quốc chiếm tỷ trọng đến 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong khi con số này ở lĩnh vực xuất khẩu là 15,7%.
Ngoài chiếm vị trí số 1 về tổng kim ngạch, Trung Quốc cũng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu và thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (sau thị trường Hoa Kỳ).
Trong năm 2019, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 96,35 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2018, là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 75,72 tỷ USD, tương đương 78,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Mỹ.
Riêng ở lĩnh vực xuất khẩu, thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch 61,35 tỷ USD, chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang cả châu lục; và chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm ngoái.
Thông tin đáng chú ý liên quan đến các châu lục khác như: Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,4%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong năm 2019 với khu vực này đạt 338,35 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2018, trong đó trị giá xuất khẩu là 135,45 tỷ USD, tăng 2,9% và trị giá nhập khẩu là 202,9 tỷ USD, tăng 6,6%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu đạt 65,9 tỷ USD, tăng 2,8%; châu Đại Dương đạt 9,6 ỷ USD, tăng 4% và châu Phi đạt 7,07 tỷ USD, tăng 1,2%.
Doanh nghiệp FDI xuất siêu lớn
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đây vẫn là lực lượng đóng góp quan trọng nhất trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam, dù tốc độ tăng trưởng trong năm ngoái có phần chậm hơn so với thông lệ nhiều năm gần đây.
Tháng 12/2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 25,91 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng 11/2019 trước đó.
Qua đó, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2019 đạt 323,84 tỷ USD, tăng 3,2%, tương ứng tăng 10,14 tỷ USD so với năm 2018.
Xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2019 đạt 179,2 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm trước, chiếm 67,83% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 144,64 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 57,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Đặc biệt, tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2019 đạt con số xuất siêu tới 34,56 tỷ USD.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi nước ta đang có hàng loạt doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực chế xuất, sản xuất xuất khẩu quy mô lớn trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực điện tử với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD/năm, điển hình là các nhà máy của Tập đoàn Samsung.
Nguồn:haiquanonline.com.vn