Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy đạt thấp, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được coi là kỳ tích trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm.
GDP tăng trưởng khá trong đại dịch
Vào cuối quý 1, nhiều dự báo tăng trưởng GDP quý 2 sẽ rất khó khăn, thậm chí tăng trưởng âm do dịch Covid-19 bắt đầu tác động mạnh tới nền kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế quý 2/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý 2 các năm trong một thập kỷ qua. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, quý 2/2020 là quý nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội. Với mức tăng trưởng 0,36% của quý 2, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, cũng là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê):
“GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, như vậy, so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng, chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. So với các nước trong khu vực và thế giới thì con số 1,81% vẫn là mức tăng trưởng khá. Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế là công nghiệp, chế biến chế tạo”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm âm 4,9%, còn Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế dự báo nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%. Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê), các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 và Việt Nam không phải là nước chịu tác động tiêu cực nhất bởi đại dịch.
Mặc dù tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều năm qua, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng bên cạnh đó vẫn có một số tín hiệu tích cực. 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%. Hiện dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. DN nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại. 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn DN thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng trong tháng 6, DN thành lập mới tiếp tục có sự khởi sắc với 13,7 nghìn DN, tăng 27,9% so với tháng trước...
Vẫn còn dư địa tăng trưởng
Theo ông Dương Mạnh Hùng, nếu năm 2020 muốn giữ tăng trưởng ở mức 6,8%/năm thì tăng trưởng kinh tế trong 2 quý sắp tới sẽ phải đạt trên 10%/quý. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi bởi tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, thương mại toàn cầu đang rất khó khăn. Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020 và hiện chưa được thông qua. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh, chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng ở đầu tư công.
Làm rõ vấn đề đẩy mạnh giải ngân đầu công sẽ hỗ trợ như thế nào cho tăng trưởng kinh tế 2020, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống Kê) cho biết, giải ngân đầu tư công sẽ kích cầu nền kinh tế, tăng trưởng giá trị sản xuất. Nếu đầu tư công tăng 1% thì sẽ đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Nếu hoàn thành việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm.
Đại diện Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 33%. Vốn đầu tư công chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển, là vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác. Về giải pháp để thúc đẩy cho đầu tư công thời gian tới, bên cạnh kiểm soát dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ cấp thiết cho sản xuất, kinh doanh. Về phía DN, ông Thúy cho rằng các DN cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của DN và toàn nền kinh tế.
Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, trước hết cần tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng DN trong việc tìm thị trường NK nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bắc - Nam...“Đồng thời, tiếp tục kích cầu đầu tư trong khối DN sản xuất cho XK để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020“, bà Nguyễn Thị Hương lưu ý.
Nguồn:haiquanonline.com.vn