Sáng nay trong buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhận triển vọng phát triển châu Á 2015, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam chính thức tuyên bố nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 lên 6,5% từ mức 6,1% trong báo cáo trước đó.
Theo đó, ADB đánh giá ba động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là những điểm sáng về đầu tư nước ngoài, niềm tin người tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng tăng cao, cùng với những chính sách hỗ trợ tăng trưởng phù hợp của chính phủ.
Tuy nhiên hiện tượng thời tiết nóng lên bất thường (El-nino) được ADB đánh giá là một trong 3 thách thức chính của Việt Nam trong thời gian tới (bao gồm thặng dư thương mại thu hẹp và nền kinh tế toàn cầu chưa ổn định). Hiện tượng El-nino khiến khô hạn diễn ra rộng khắp trên các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể khiến sản lượng nông nghiệp và cà phê suy giảm trong năm trới.
“Trong khi El-nino diễn ra trên khắp toàn cầu, nhưng những quốc gia châu Á sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất”, ông Ancha Srinivasan, trưởng nhóm chuyên gia về Biến đổi thời tiết tại ADB nhận định trong một bản báo cáo trước đó. Vị này cho rằng hạn hán diễn ra trên diện rộng sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.
“Nếu hiện tượng El-nino tiếp tục diễn biến theo chiều hướng kéo dài không thuận lợi có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng khối nông nghiệp và khiến giá lương thực thế giới tăng cao trong năm 2016”, báo cáo ADB nhấn mạnh.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Aaron Batten, nhà kinh tế học thuộc ADB cho rằng trong quá trình hội nhập toàn cầu, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực kém cạnh tranh và yếu nhất của Việt Nam. Kết hợp với xu hướng bất lợi từ El-nino, thì nông nghiệp càng bị ảnh hưởng xấu. Ông Aaron cũng khuyến nghị chính phủ Việt Nam cần có những chính sách cụ thể để cải thiện lĩnh vực này.
Trong năm nay, Ninh Thuận là nơi hạn hán kéo dài nhất, từ cuối năm 2014 đến giữa tháng 6/2015. Tính đến vụ hè-thu, toàn tỉnh có đến 16 nghìn ha đất nông nghiệp phải ngừng sản xuất, có nhiều nơi mất bốn vụ liền. Hàng nghìn trâu bò, dê, cừu bị chết.
Còn tại Nghệ An, tình hình khô hạn đang xảy ra gay gắt trên diện rộng đã gây nhiều thiệt hại cho vụ sản xuất hè thu 2015. Cây công nghiệp lâu năm tại địa phương này có hơn 4.200 ha bị hạn, trong đó cây cam là 1.100, cây cà phê là 200 và cây chè là gần 3 nghìn ha, hàng trăm ha ngô vụ xuân ở các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông… mất trắng…
Thống kê tại tỉnh Quảng Trị cũng cho thấy, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha lúa và hoa màu vụ hè thu bị khô hạn, trong đó có 3.700 ha đất lúa không sản xuất được do thiếu nước tưới.
Đức Anh