Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính từ ngày 1/7 đến ngày 31/8, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 517.060 tấn, trị giá FOB 224,299 triệu USD, trị giá CIF 230,508 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 01/1 đến ngày 31/8 đạt 3,818 triệu tấn, trị giá FOB 1,591 tỷ USD, trị giá CIF 1,641 tỷ USD.
Trên thị trường thế giới tuần từ 4/9-10/9, khối lượng xuất khẩu gạo của 5 nước xuất khẩu lớn nhât thế giới ước đạt 692.000 tấn, tăng 53.000 tấn so với tuần trước. Lũy kế xuất khẩu trong năm đến nay của 5 nước xuất khẩu lớn tăng 8,58% so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan vẫn dẫn đầu xuất khẩu gạo. Xuất khẩu của Thái Lan đạt 192.000 tấn, tăng 1,05% so với tuần trước. Tuy nhiên, gần đây thị trường Thái Lan tiếp tục phải đối mặt với cạnh tranh gạo giá rẻ từ Việt Nam và Pakistan. Đây là một trong những cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu đạt giá trị và sản lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, ngày 9/9, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) thông báo đấu thầu nhập khẩu 750.00 tấn thêm vào 1,8 triệu tấn. Đây được cho là nỗ lực chuẩn bị của NFA trước El Nino đang mạnh lên.
NFA tìm giá chào từ chính phủ Việt Nam, Thái Lan và Cambodia để cung cấp gạo xay xát kỹ 25% tấm trước ngày 17/9. NFA mong muốn duy trì tồn kho đệm dự phòng trước El Nino đang mạnh lên, có thể làm giảm sản lượng gạo tại nước này.
"Không có lựa chọn nào tốt hơn là chuẩn bị. Hạn hán do El Nino dự kiến mạnh lên vào đầu tháng 10 và sẽ kéo dài đến tháng 5/2016", NFA cho biết trong một thông báo.
Theo Cục Khí tượng cảnh báo El Nino thậm chí có thể nghiêm trọng như trong giai đoạn 1997-98, làm giảm thu hoạch gạo của Philippines gần 24%. Cơ quan này cũng cảnh báo rằng hiện tượng lúc này có thể là một trong những hiện tượng thời tiết gay gắt nhất kể từ năm 1950.
Đánh giá tác động của hiện tượng El Nino tới Philippines, giới trong ngành cho rằng đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm. Nếu xuất khẩu được gạo xay xát kỹ 25% tấm sẽ giúp bù lại cho 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh. Cụ thể, giảm 34,34% về khối lượng và giảm 38,58% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tại, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.850 - 4.950 đ/kg, lúa dài khoảng 5.200 – 5.300 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.300 – 6.400 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.150 – 6.250 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.100 – 7.200 đ/kg, gạo 15% tấm 6.800 – 6.900 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.700 – 6.800 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Tính đến ngày 11/9/2015, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2015 được khoảng 1,668 triệu ha/ 1,6 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch Hè Thu khoảng 1,3 triệu ha với năng suất khoảng 5,6-,5,7 tấn/ha, sản lượng khoảng 7,34 triệu tấn lúa.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đông 2015 được khoảng 640.000 ha/ 886.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 20.000 ha với năng suất khoảng 4,8-4,9 tấn/ha.
Kiều Linh