menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương: Mục tiêu xuất khẩu 263 tỉ USD năm 2019 rất khó

08:44 22/07/2019

Vinanet - Bộ Công Thương nhận định để đạt được mục tiêu xuất khẩu 263 tỉ USD, xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỉ USD/tháng, đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018.
Xuất siêu 1,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 122,5 tỉ USD, tăng 0,7% so với cùng kì năm ngoái. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi gần 121 tỉ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 0,9% so với nửa đầu năm 2018; như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 1,5 tỉ USD, con số này khả quan hơn so với số liệu ước tính sơ bộ của Tổng Cục thống kê công bố hôm 29/4/2019 với ước tính nhập siêu ở mức 34 triệu USD trong nửa đầu năm nay.
Mặc dù xuất siêu tỉ USD nhưng theo Bộ Công Thương, xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 122,5 tỉ USD, thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra là 123,5 tỉ USD.
Bộ Công Thương nhận định để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 8 -10%, tương đương 263 tỉ USD, xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỉ USD/tháng. Bộ cho rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỉ USD đã từ tháng 8/2018.
Trong khi đó tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng được cho không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.
Cán cân thương mại chưa ổn định
Bộ Công Thương đánh giá trong 6 tháng qua xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kì năm trước nhưng chưa thực sự bền vững. Cán cân thương mại chưa ổn định.
Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá xuất khẩu gạo đã giảm hơn 15% so với cùng kì năm 2018; cà phê giảm 11,7%; cao su giảm 6%. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi kể từ tháng 5. Nguyên nhân là Trung Quốc đã tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.
Nguồn: Vietnambiz.vn