menu search
Đóng menu
Đóng

Cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp

09:40 15/07/2021

Công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành.
Trên thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.
 
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ tài chính thông tin về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm. Theo đó, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) duy trì đà tăng trưởng và có một số kết quả tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng. Đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.
Số liệu này trùng khớp với thống kê trên dữ liệu của HNX và SSC. Thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị TPDN đã phát hành trong 6 tháng đầu năm, tính cả trái phiếu chào bán công chúng và quốc tế, đạt 186. 683 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh đó tổ chức tín dụng (TCTD) là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành. Khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành). Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).
Bộ Tài chính cũng cho biết phía người mua, công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, TCTD chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (là 12,68%).
Nhà đầu tư sơ cấp là công ty chứng khoán, cũng là những tổ chức đăng ký lưu ký phía sau các đợt phát hành bổ sung vốn kinh doanh của các ngân hàng như TPBank, SHB, ACB và nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) khác, đặc biệt trong các đợt phát hành đã diễn ra từ tháng 4-nay. Lãi suất trái chủ đầu tư sơ cấp được cam kết cho nhóm phát hành này chỉ từ 3%-4,2%, rất thấp so với mặt bằng chung của thị trường và so với chính các TCTD lớn đã phát hành để tăng vốn cấp 2, điển hình như BIDV.
Đánh giá của Bộ Tài chính, sự xuất hiện các nhà đầu tư lớn sơ cấp tổ chức như công ty chứng khoán cho thấy, các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đã có tác động hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Nhìn chung, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.
Cụ thể về phía doanh nghiệp phát hành, các tổ chức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Về phía nhà đầu tư mua trái phiếu, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, pháp luật đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ.
"Do đó, mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không... sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, và nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu" - Vụ Tài chính ngân hàng khẳng định.
Đáng lưu ý cũng theo ông Nguyễn Hoàng Dương, nhà đầu tư có thể vi phạm quy định của pháp luật nếu cơ quan quản lý nhà nước phát hiện được các hành vi "lách" quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về TPDN của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Trên thực tế, việc các công ty chứng khoán tăng mua TPDN, trong đó nhiều trái phiếu từ các tổ chức phát hành là các TCTD, đến nay vẫn là một "ẩn số" khó giải khi: Lãi suất nhà phát hành cam kết trả cực thấp; hầu hết là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không kèm quyền như chuyển đổi hay như có thời điểm các công ty bất động sản "đính kèm" quyền chọn mua căn hộ, nhà đất.v.v Vẫn biết trái phiếu ngân hàng đến từ các tổ chức phát hành uy tín cao, được "bảo đảm" bằng chính thương hiệu ngân hàng; song trong khi nhiều CTCK vẫn đang có nhu cầu tăng vốn để chạy đua đáp ứng nhu cầu margin của thị trường, thì việc "rải vốn" vào kênh trái phiếu nhưng lợi ích trực tiếp khó thấy là một câu hỏi.
Một chuyên gia cho rằng theo đó, có hiện tượng ngân hàng và công ty chứng khoán ủy thác cho nhau, chào mời trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân, như lưu ý của Lãnh đạo Bộ Tài chính.
Cũng theo vị này thì TPDN một khi được chào mời, có thể điều chỉnh lãi suất cao. Về vấn đề này, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng khuyến nghị, "nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu".
Theo Lãnh đạo Bộ, khi mua TPDN, nhà đầu tư cần thận trọng, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; quy trình, hồ sơ về xác định nhà đâu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại (NHTM) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào TPDN. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành, ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định.

Nguồn:https://ndh.vn/

Link gốc