menu search
Đóng menu
Đóng

Cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng GDP cho 6 tháng cuối năm

09:27 05/07/2023

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 ngày 4/7/2023, trên cơ sở diễn biến 6 tháng đầu năm và dự báo cho những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm.

Tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và ban hành nhiều Luật, Nghị quyết, chính sách lớn về đất đai, đấu thầu, hợp tác xã, xuất nhập cảnh, cơ chế đặc thù cho TPHCM, giảm thuế GTGT... tại kỳ họp thứ 5. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh năng lượng; đẩy mạnh ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế...
Tổ chức các đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc với địa phương; chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư ngay tại địa bàn; chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều chính sách thiết thực như: gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm thuế GTGT, giảm lãi suất tiền gửi và cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khánh thành một số dự án giao thông trọng điểm; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý vướng mắc trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư, môi trường, y tế, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư...
Trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khởi công đường Vành đai 3 TPHCM; Vành đai 4 Hà Nội; đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; khánh thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chỉ thị và công điện chỉ đạo về việc xử lý tình trạng thiếu điện, cắt điện; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025...
Tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt trên 8%
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định. Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành cơ bản đã xác định được các khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế; có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội,... trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn,..để tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm. Theo đó, với kịch bản thứ nhất, GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 6,8%, quý 4 là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9% so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Với kịch bản thứ hai, GDP năm 2023 tăng 6,5% thì hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%. Các mức tăng này lần lượt cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm là 0,9 và 3,2%. Tính chung, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt 8,9%.
Các giải pháp để đạt tăng trưởng cuối năm được đề xuất gồm các bộ, địa phương cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, đầu tư (gồm khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công) và xuất khẩu. Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động phải được theo dõi chặt chẽ, xử lý vướng mắc... để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với tăng phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc