menu search
Đóng menu
Đóng

Châu Á trước mối đe dọa lạm phát từ Mỹ

06:00 10/06/2021

Ảnh minh hoạ.

Khi các nền kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ trở thành một mối lo...
 
Khi các nền kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ trở thành một mối lo.
Sự hoảng loạn của giới đầu tư ở Phố Wall lan sang thị trường châu Á những ngày qua đã thể hiện rõ điều này.
LẠM PHÁT “HIỆN HÌNH” Ở MỸ
Những chỉ số dự báo lạm phát Mỹ đang ngày một rõ nét.
Tỷ lệ lạm phát ngang giá (break-even inflation rates) đã tăng vọt lên 2,59% trong tuần này, từ mức thấp 0,47% hồi tháng 3 năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 nhảy 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao chưa từng có kể từ năm 2008.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell liên tục trấn an thị trường rằng lạm phát hiện tại chưa có nguy cơ trở thành vấn đề lớn với nền kinh tế, nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy.
Nhà đầu tư, tỷ phú Warren Buffett cảnh báo rằng nguy cơ lạm phát tại Mỹ đang tăng lên mức “siêu cao” sau hàng loạt gói hỗ trợ tài khóa khổng lồ của chính phủ đi kèm chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Fed. “Người dân có tiền trong túi và họ đang trả giá cao hơn. Không có gì ngạc nhiên khi lạm phát hiện đang tăng nhanh hơn mức dự kiến 6 tháng trước”, ông nói.
Ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thì chỉ trích Tổng thống Joe Biden đang “đùa với lửa” khi đề xuất kế hoạch cơ sở hạ tầng 2 nghìn tỷ ngay sau gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ vừa phê duyệt gần đây. Ông Summers cho rằng đây là chính sách tài khóa “thiếu trách nhiệm nhất” trong 4 thập kỷ qua, có thể dẫn đến một cuộc xung đột tài khóa - tiền tệ gay gắt. Thực tế cho thấy trong quá khứ, mỗi khi cung tiền tăng vượt trội hơn lãi suất đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân như tình huống hiện tại ở Mỹ, nền kinh tế đều chứng kiến lạm phát tăng nóng.

Không riêng tại Mỹ, nguy cơ lạm phát đang hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương tích cực bơm tiền vào hệ thống tài chính trong suốt năm qua.

 Một ví dụ dễ thấy: giá vận chuyển container leo thang đột biến khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu gây áp lực lên khả năng vận tải hàng hóa đường biển. Chỉ số cước toàn cầu Drewy - được điều chỉnh hàng tuần, theo dõi giá giao dịch và dữ liệu hiện hành từ các công ty logistics - vào tuần trước đã tăng lên 4.403 USD cho mỗi container 40ft tiêu chuẩn đi từ Thượng Hải đến California. Mức đỉnh thập kỷ này là bằng chứng xác thực cho mối quan ngại lạm phát khi các chính phủ từ Mỹ đến châu Âu ném hàng nghìn tỷ USD kích thích vào nền kinh tế.
Bên cạnh nhu cầu phục hồi, sự nứt gãy một số chuỗi cung ứng quan trọng cũng góp phần đẩy chi phí sản xuất gia tăng, kích thích tạo ra lạm phát bởi cả chi phí đẩy và cầu kéo, làm phức tạp phản ứng chính sách của các chính phủ.
CHÂU Á PHẬP PHỒNG LO SỢ
Trọng tâm chú ý lúc này dồn vào động thái của Fed: Liệu ngân hàng trung ương Mỹ có sớm rút lại các kích thích tiền tệ khi lạm phát tăng tốc hay không? Đây là câu hỏi lớn đối với giới đầu tư không chỉ ở Phố Wall mà trên toàn cầu, trong đó có châu Á.
Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản mất 3,2% trong tuần và giảm 2,7% kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tình trạng bán tháo trên các thị trường châu Á diễn ra sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng vọt trong tháng 4. Có một số yếu tố khác góp phần vào đà lao dốc của chứng khoán khu vực, chẳng hạn các ca nhiễm mới Covid-19 hay rủi ro “Sell in May” (bán trong tháng 5). Nhưng nhìn chung, lạm phát vẫn là lý do chính lý giải cho mức giảm trong tuần qua.

Mối quan ngại chính của các nhà đầu tư châu Á là việc lạm phát tăng ở Mỹ có thể khiến Fed siết chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Một khi lãi suất đồng USD tăng lên, áp lực bán tháo đồng tiền của các thị trường mới nổi châu Á ngày càng căng thẳng. Điều đó không chỉ gây hệ lụy bất lợi cho dòng vốn vào châu Á mà còn đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính vĩ mô toàn cầu nói chung.

 Một nghiên cứu của Bloomberg cho thấy Hàn Quốc và Thái Lan là hai thị trường trái phiếu châu Á có rủi ro cao nhất khi kỳ vọng lạm phát tại Mỹ tăng lên. Nguyên nhân là do khoảng chênh lệch lợi tức của trái phiếu hai thị trường này so với trái phiếu kho bạc Mỹ, cùng với đặc tính nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, dễ chịu ảnh hưởng bởi lạm phát.
Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng hiện đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2017. Trong bối cảnh giá hàng hóa tăng, chi phí linh kiện điện tử leo thang, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn… thì việc chỉ số giá tiêu dùng nhích lên hàng tháng không nằm ngoài dự đoán.
Chuyên gia phân tích Robert Carnell từ Ngân hàng ING (Hà Lan) cho rằng Hàn Quốc có thể trở thành tấm gương phản ánh rủi ro với các nền kinh tế châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung về hệ lụy lạm phát sau đại dịch.
Tuy nhiên, tình huống phức tạp hiện tại khiến các chính phủ châu Á nói chung có ít công cụ để điều tiết hệ thống tài chính trước rủi ro lạm phát. Nhà kinh tế Yasuyuki Sawada từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định 2021 sẽ là năm đầy thách thức với các chính phủ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều chuỗi cung ứng gián đoạn, thị trường lao động suy yếu, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp...
Trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục từ Washington đến Frankfurt, nợ của người tiêu dùng sẽ gây áp lực đáng kể lên chi tiêu hộ gia đình cũng như sự ổn định tài chính tại các nền kinh tế mới nổi châu Á. Việc siết chặt chính sách tiền tệ lúc này có thể không hợp lý, vì tăng lãi suất đồng nghĩa tăng chi phí vay, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần.
Ông Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management (Tokyo), nhận định quan ngại lạm phát có thể tăng lên trong vài tháng tới, khi nhu cầu dịch vụ của người Mỹ tăng trong mùa hè. “Cho đến khi đà tăng lạm phát chậm lại, thị trường mới có thể bình tĩnh trở lại”, ông nói.

Nguồn:Diên Vỹ / VnEconomy

Link gốc