menu search
Đóng menu
Đóng

CIEM: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt 6,9%

09:21 18/07/2022

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1, và 6,9% trong kịch bản 2.

Đà phục hồi tích cực
Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” do Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản, đồng thời kéo theo xu hướng liên minh đối đầu-trả đũa giữa các siêu cường. Mỹ đã bắt đầu giai đoạn “bình thường hóa” lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát cao. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực hiện, qua đó gắn kết các nền kinh tế Đông Á với đà phục hồi xuất khẩu trên diện rộng ở khu vực.
Từ đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ. Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. "Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý 1/2022 và 7,72% trong quý 2/2022, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ", bà Minh nhận định.
Theo đánh giá của CIEM, triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát; khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD; khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Cập nhật 2 kịch bản
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” đã đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1, và 6,9% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong Kịch bản 1 và tăng 16,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.
Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, trong khi áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Dù vậy, bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. Trong bối cảnh này, việc duy trì “công thức” từ những năm trước đó – duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại - càng có ý nghĩa quan trọng.
Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, Viện trưởng Viện CIEM cho biết, ngay trong báo cáo nghiên cứu về “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” do Chương trình Aus4Reform tài trợ và công bố vào tháng 4/2021, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển. Những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh.
Đáng chú ý, cũng theo TS. Trần Thị Hồng Minh, nội dung ổn định kinh tế vĩ mô khó có thể tách rời với cải cách thể chế kinh tế.
“Chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu – tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa-tiền tệ - thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế”, bà Minh khẳng định.

Hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi khá tích cực. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước ghi đạt 739,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành).

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc