menu search
Đóng menu
Đóng

Đánh bắt cá đang gặp “nguy hiểm” ở các nước đang phát triển

09:00 25/06/2020

Vinanet - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là kế sinh nhai của rất nhiều người, nhưng nghề này đang phải đối mặt với “nguy hiểm” về phát triển bền vững khi so sánh xu hướng ở các nước phát triển với các nước đang phát triển.
FAO cho biết, hơn một phần ba trữ lượng cá trên toàn thế giới đang bị đánh bắt quá mức và vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển. Trong khi nghề đánh bắt cá ở các khu vực phát triển ngày càng bền vững, số lượng cá đánh bắt nhiều hơn và điều kiện cho các công nhân trong ngành cá đang được cải thiện thì các nước đang phát triển lại bị tụt lại phía sau.
Việc giải quyết vấn đề sẽ cần một số biện pháp trong đó cần có chính sách chính trị mạnh mẽ hơn và việc giám sát phải được cải thiện vì nguồn cá ở các nước đang phát triển ngày càng giảm mạnh về số lượng. "Trong khi các nước phát triển đang cải thiện cách họ quản lý nghề cá, thì các nước đang phát triển phải đối mặt với tình hình tồi tệ hơn" tổ chức này cho biết.
Trong năm 2017, 34,2% trữ lượng cá của nghề cá biển trên thế giới được phân loại là đánh bắt quá mức, một "xu hướng tăng liên tục" kể từ năm 1974 khi nó chỉ ở mức 10%. Đánh bắt quá mức làm cạn kiệt nguồn dự trữ với tốc độ quá nhiều không có cơ hội bổ sung nguồn do đó dẫn đến quần thể cá thấp hơn và giảm sản lượng trong tương lai.

Ngư dân tại bãi biển Beaun Vallon ở Seychelles đang chuẩn bị lưới để câu cá. Ảnh: Ennio Maffei

Việc quản lý lỏng lẻo, không nghiêm ngặt không có quy định rõ ràng cho việc đánh bắt là vấn đề đang xẩy ra ở nhiều nước đang phát triển "Chúng tôi nhận thấy rằng sự bền vững đặc biệt khó khăn ở những nơi đói, nghèo và xung đột tồn tại, nhưng chưa tìm ra giải pháp nào để hạn chế việc đánh bắt trái quy định đối với các quốc gia này" FAO cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1 tỷ người trên toàn thế giới đang dựa vào cá như là nguồn cung cấp protein động vật chính và ở một số quốc đảo nhỏ, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào hải sản để đáp ứng nhu cầu protein của họ. Tiêu thụ cá bình quân đầu người trên toàn thế giới đã lập kỷ lục mới 20,5 kg mỗi năm vào năm 2018 và đã tăng tỷ lệ trung bình 3,1% kể từ năm 1961, vượt xa tất cả các protein động vật khác.
Tiêu thụ cá chiếm một phần sáu lượng protein động vật của dân số toàn cầu và hơn một nửa ở các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, Gambia, Ghana, Indonesia, Sierra Leone và Sri Lanka. Dự báo mức tiêu thụ bình quân đầu người trên toàn cầu sẽ tăng lên 21,5 kg vào năm 2030.

Ông Manuel Barange, Giám đốc phụ trách thủy sản và nuôi trồng thủy sản của FAO cho biết: “Từ giữa năm 1970, các nước đang phát triển đã tăng lợi ích thương mại từ cá từ 0 lên hơn 40 tỷ USD mỗi năm”.

Ở Châu Phi và Châu Á, khoảng 95% dân số phụ thuộc vào hải sản để kiếm sống, nhiều người phải chật vật để kiếm sống bất chấp mức độ nguy hiểm trong công việc của họ. Năm 2019, đánh bắt cá thương mại được đánh giá là nghề nguy hiểm đến tính mạng, đứng thứ hai trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ở Châu Phi dự kiến giảm xuống 0,4, nguyên nhân chính do sự gia tăng dân số của châu Phi vượt xa sự tăng trưởng về nguồn cung. Tăng sản lượng trong nước và nhập khẩu cá cao hơn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực.

Báo cáo của Tổ chức này dựa trên thông tin có được trước khi dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến sự suy giảm hoạt động đánh bắt cá toàn cầu do bị hạn chế và thiếu nguồn lao động.

Tổng Giám đốc FAO đề ra 3 giải pháp để ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững, bao gồm tái đầu tư vào các chương trình bền vững biển và nước ngọt, đầu tư vào tăng trưởng đại dương và đảm bảo các biện pháp bảo vệ phù hợp với quản lý hiệu quả.

“Hãy đối xử với đại dương bằng sự tôn trọng xứng đáng, đại dương sẽ tha thứ cho những gì chúng ta đã làm và sẽ tự phục hồi. Đại dương sẽ vẫn mang lại lợi ích như trước đây - trở thành nguồn cung cấp tuyệt vời cho cuộc sống trên hành tinh trái đất”, Peter Thomson - Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Đại dương nhấn mạnh tại lễ khai mạc Hội thảo quốc tế ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

Nguồn:VITIC