menu search
Đóng menu
Đóng

Dữ liệu dịch vụ, sản xuất cho thấy kinh tế Mỹ chưa thể tăng tốc

14:17 06/06/2017

Hoạt động dịch vụ của Mỹ chậm lại trong tháng 5 khi đơn đặt hàng mới giảm, nhưng việc làm tăng vọt lên cao nhất trong gần 2 năm chỉ cho thấy thị trường lao động vẫn bền vững bất chấp sự sụt giảm về tăng trưởng trong tháng trước.
Viện Quản lý Cung cấp (ISM) hôm thứ Hải (5/6) cho biết, chỉ số hoạt động phi sản xuất của Mỹ giảm 0,6 điểm phần trăm xuống còn 56,9 điểm. Mặc dù vậy mức trên 50 điểm vẫn cho thấy cho thấy sự mở rộng trong ngành vốn chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ này.
 Tuy nhiên, một thước đo về việc làm trong ngành dịch vụ đã tăng 6,4 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, cho thấy sức mạnh của thị trường lao động ngay cả khi biên chế phi nông nghiệp chỉ tăng thêm 138.000 việc làm mới trong tháng 5 sau khi tăng 174.000 trong tháng 4.
 Sự sụt giảm trong ngành dịch vụ đi cùng với các dữ liệu khác cũng được công bố hôm thứ Hai như, lượng đơn đặt hàng sản xuất cũng giảm trong tháng 4 lần đầu tiên trong 5 tháng qua và năng suất lao động không thay đổi trong quý 1, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thể tăng tốc.
Trong một báo cáo khác cũng được công bố hôm thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, lượng đơn hàng của các nhà máy đã giảm 0,2% trong tháng 4 sau khi tăng 1,0% trong tháng 3. Còn so với cùng kỳ năm trước, lượng đơn đặt hàng mới tăng 4,4%. Sản xuất, chiếm khoảng 12% nền kinh tế Mỹ, đang được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong lĩnh vực năng lượng đã dẫn đến nhu cầu về thiết bị khoan dầu và khí đốt.
 Trong khi một báo cáo khác của Bộ Lao động cho thấy, năng suất phi nông nghiệp, đo lường sản lượng hàng giờ của mỗi lao động, không thay đổi trong quý đầu năm. Trong báo cáo được đưa ra trước đó, năng suất lao động giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
 Năng suất tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 0,6% trong 5 năm qua, thấp hơn tỷ lệ dài hạn là 2,1% từ năm 1947 đến năm 2016, cho thấy tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế đã giảm.
 Các nhà kinh tế đổ lỗi cho chi tiêu vốn thấp khi họ dẫn chứng sự giảm mạnh của tỷ lệ vốn/lao động gây ra sự yếu kém về năng suất. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng năng suất đang được đo không chính xác, đặc biệt là về phía công nghệ thông tin. “Kết quả là một nền kinh tế vẫn còn kẹt cứng trên một con đường tăng trưởng thấp”, Steven Ricchiuto - nhà kinh tế trưởng của Mizuho ở New York nó.
 Mặc dù vậy, theo Joel Naroff - Kinh tế gia trưởng của Naroff Financial Advisors, nền kinh tế vẫn đang tăng tốc chứ không phải chậm lại, đặc biệt thị trường lao động tiếp tục được cải thiện.
 Tuy nhiên, sự sụt giảm giá thanh toán trong lĩnh vực dịch vụ có thể thu hút sự chú ý của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi họ gặp nhau vào ngày 13 và 14/6 để thảo luận về chính sách tiền tệ.
 “Phần lớn lạm phát đến từ các dịch vụ chứ không phải là hàng hoá trên kệ hàng, vì vậy nếu giá dịch vụ giảm, Fed không có hy vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2%”, Chris Rupkey - Chuyên gia kinh tế trưởng của MFUG ở New York nói. “Chúng ta sẽ xem liệu điều này có làm thay đổi tốc độ tăng dần của họ vào cuối năm nay khi họ đưa ra dự báo lãi suất mới nhất tại cuộc họp sắp tới”.
 Fed được dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 25 điểm cơ bản lên 1,00-1,25% tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 13-14/6 tới tương tự như tại cuộc họp chính sách tháng 3.
 Nguồn: Hoàng Nguyên/Thoibaonganhang.vn