menu search
Đóng menu
Đóng

Dư luận quốc tế về "tiền số" do các ngân hàng trung ương phát hành

09:46 20/07/2021

Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu.
Lo ngại trước sự phổ biến của các đồng tiền số, ngân hàng trung ương nhiều nước đang nghiên cứu và thử nghiệm phương án số hóa đồng tiền truyền thống.
*CBDC là gì?
Trước hết, CBDC là tiền điện tử. Với CBDC, các cá nhân và các doanh nghiệp sẽ lần đầu tiên được phép trực tiếp gửi tiền tại ngân hàng trung ương để thực hiện các giao dịch thanh toán và chuyển tiền trực tuyến. Ngoài tiền giấy, cho đến nay, chỉ các thể chế tài chính như các ngân hàng thương mại mới được phép tiếp cận tiền ở ngân hàng trung ương.
Dùng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ, hay một ứng dụng thanh toán, để mua cà phê hay thanh toán ở các cửa hàng là một dạng thức của tiền kỹ thuật số. Nhưng tiền số dạng này lại do các ngân hàng thương mại phát hành.
Sự khác biệt ở đây là dạng tiền số này không phải “không có rủi ro” như CBDC. Với các ngân hàng thương mại, khách hàng có thể mất khoản tiền gửi của mình nếu ngân hàng phá sản vì chính phủ các nước thường chỉ cấp một khoản bảo hiểm tiền gửi nhất định.
Ngân hàng trung ương các nước quan tâm đến việc phát hành một đồng tiền kỹ thuật số, thứ nhất là vì lo sợ mất kiểm soát nguồn cung tiền và các hệ thống thanh toán cho các đồng tiền điện tử, như bitcoin hay thậm chí là đồng Diem do công ty truyền thông trực tuyến và mạng xã hội Facebook Inc (Mỹ) hậu thuẫn.
Sự phổ biến của các hình thức thanh toán không chịu sự quản lý của ngân hàng trung ương hay các cơ quan nhà nước có thể làm giảm khả năng kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với nguồn cung tiền và kéo theo đó là cả sự ổn định kinh tế.
Mối nguy này đang hiển hiện ngày càng rõ nét khi các đồng tiền kỹ thuật số đang được sử dụng ngày càng phổ biến.
Nguyên nhân thứ hai là khi người dân sử dụng ít tiền giấy hơn, thì CBDC sẽ đảm bảo người dân được tiếp cận với tiền ở ngân hàng trung ương. Chúng cũng cho các ngân hàng trung ương một công cụ mới để thực hiện chính sách tiền tệ và giữ ổn định nền kinh tế.
CBDC có thể được phát hành dưới dạng một token (chữ ký số hay chữ ký điện tử được mã hóa thành những con số trên thiết bị chuyên biệt) được lưu trên một điện thoại di động hay một chiếc thẻ trả trước. Chúng cũng có thể tồn tại trong một tài khoản do ngân hàng trung ương hay một ngân hàng trung gian quản lý trực tiếp.
Không phải tất cả các đồng CBDC đều sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vốn là công nghệ nền tảng cho các đồng tiền kỹ thuật số. Chẳng hạn như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) cho biết đồng NDT kỹ thuật số sẽ không dựa trên công nghệ blockchain, trong khi đồng krona điện tử của Thụy Điển, điện đang được thử nghiệm, lại dựa trên công nghệ này.
PBoC đang đặt mục tiêu trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành CBDC, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã thực hiện bước tiếp theo tiến tới phát hành đồng euro kỹ thuật số khi khởi động giai đoạn thăm dò vào ngày 14/7.
Còn Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 15/7 cho biết chưa có quyết định chính thức về lợi ích và chi phí của việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số có sự bảo trợ của Fed.
*Ý kiến trái chiều
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã lên tiếng ủng hộ những lợi ích xuyên biên giới của các đồng tiền CBDC và tuyên bố rằng các dự án như vậy sẽ hỗ trợ sự phát triển toàn cầu.
Hai định chế tài chính này đã đưa ra một báo cáo cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho rằng sự phối hợp về tiền kỹ thuật số sẽ thay đổi tình trạng phải phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển tiền chậm chạp và đắt đỏ để thực hiện các giao dịch trên khắp thế giới.
Ông Indermit Gill, Phó chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới về tài chính và tăng trưởng công bằng, cho biết các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch và bao trùm hơn sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế trên toàn cầu.
Báo cáo trên đã đưa ra viễn cảnh một hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số, nơi mà các đồng tiền có thể được trao đổi nhanh chóng và bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng thừa nhận những nguy cơ của việc phát hành CBDC, cho rằng việc giảm bớt những trở ngại đối với việc thay thế tiền tệ có thể làm giảm khả năng kiểm soát tỷ giá và sự độc lập của chính sách tiền tệ trong chế độ hoạt động của ngân hàng trung ương một số nước.
Báo cáo cũng cảnh báo trong trường hợp mọi yếu tố khác không đổi, thì các giao dịch xuyên biên giới được tiến hành dễ dàng hơn cũng có thể làm tăng rủi ro đối với cả đồng nội tệ và lĩnh vực ngân hàng trong nước.
Ông Gill cho rằng các nguy cơ này đặc biệt rõ nét đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời nhấn mạnh cần phải xem xét kỹ các mối quan ngại về quy định và chính sách.
Đối với các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào các đồng ngoại tệ như đồng USD, thì CBDC có thể làm giảm vị thế của đồng tiền quốc gia ở trong nước, từ đó làm giảm tác động của chính sách tiền tệ và có khả năng gây bất ổn cho nền kinh tế trong nước.
Ngoài ra, khi một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, người dân có thể ồ ạt rút tiền. Bên cạnh đó, việc người dân có khả năng chuyển từ tiền truyền thống sang CBDC cũng có thể khiến các ngân hàng thương mại mất đi một nguồn vốn rẻ và ổn định.
Vì thế, nhiều đồng CBDC dự định sẽ ngăn cản xu hướng này bằng cách giới hạn lượng CBDC mà các tổ chức và cá nhân có thể nắm giữ.
Chẳng hạn như tại châu Âu, để tránh khả năng người dân rút tiền ra khỏi các tài khoản truyền thống để chuyển sang đồng euro kỹ thuật số, ECB có thể giới hạn số tiền kỹ thuật số trong ví điện tử của họ, với ngưỡng mà một thành viên hội đồng điều hành ngân hàng này là ông Fabio Panetta đề xuất là khoảng 3.000 euro (3.500 USD)./.

Nguồn:Khánh Ly (Tổng Hợp)/BNEWS

Link gốc