menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 6/2022 giảm

15:08 11/07/2022

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm thế giới trong tháng 6/2022 giảm nhẹ tháng thứ ba liên tiếp.

Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 6/2022 đạt trung bình 154,2 điểm, giảm 2,3% so với tháng 5/2022; tuy nhiên vẫn tăng 23,1% so với tháng 6/2021; trong đó giá dầu thực vật, ngũ cốc và đườngthế giới giảm, trong khi giá sữa và giá thịt tăng.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 6/2022 đạt trung bình 166,3 điểm, giảm 4,1% so với tháng 5/2022, nhưng vẫn tăng 27,6% so với tháng 6/2021. Giá lúa mì thế giới tháng 6/2022 giảm 5,7% so với tháng 5/2022 nhưng vẫn tăng 48,5% so với tháng 6/2021. Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 6/2022 giảm do sản lượng từ vụ thu hoạch mới ở Bắc bán cầu, ở một số nước sản xuất chính và ở Liên bang Nga tăng. Giá ngũ cốc thô thế giới tháng 6/2022 cũng giảm 4,1% so với tháng 5/2022 nhưng vẫn tăng 18,4% so với tháng 6/2021. Giá ngô thế giới giảm 3,5% so với tháng 5/2022 do nguồn cung ở Achentina, Brazil và Mỹ tăng.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 6/2022 đạt trung bình 211,8 điểm, giảm 7,6% so với tháng 5/2022. Giá dầu cọ thế giới giảm do sản lượng ở các nước sản xuất chính và từ Indonesia tăng. Giá hướng dương và dầu đậu nành thế giới giảm do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm trong bối cảnh chi phí tăng.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 6/2022 đạt trung bình 117,3 điểm, giảm 2,6% so với tháng 5/2022, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, do sản lượng toàn cầu tăng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và giá đường quốc tế.
Ông Máximo Torero Cullen – chuyên gia Kinh tế của FAO cho biết: Mặc dù chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 6/2022 giảm tháng thứ ba liên tiếp, nhưng vẫn gần bằng mức kỷ lục trong tháng 3/2022. Các yếu tố khiến giá thực phẩm thế giới tăng cao ngay từ đầu năm do nhu cầu tăng mạnh, thời tiết bất lợi ở một số nước lớn, chi phí sản xuất và vận chuyển cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19, cộng với những bất ổn bắt nguồn từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 6/2022 đạt trung bình 124,7 điểm, tăng 1,7% so với tháng 5/2022, lập mức cao kỷ lục mới và tăng 12,7% so với tháng 6/2021. Giá tất cả các loại thịt đều tăng, trong đó thịt gia cầm tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục do nguồn cung toàn cầu tiếp tục thắt chặt do chiến tranh ở Ukraine và dịch cúm gia cầm bùng phát ở Bắc bán cầu.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 6/2022 đạt trung bình 149,8 điểm, tăng 4,1% so với tháng 5/2022 và tăng 24,9% so với tháng 6/2021. Trong tháng 6/2022, giá tất cả các sản phẩm sữa đều tăng; trong đó, giá pho mát tăng mạnh nhất do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguồn cung ứng vào cuối năm nay. Giá sữa bột thế giới tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh và tình trạng khan hiếm nguồn cung toàn cầu.
FAO nâng dự báo về sản lượng ngũ cốc toàn cầu
Dự báo của FAO trong tháng 7/2022 về sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 đã được tăng thêm 7 triệu tấn so với dự báo trong tháng 6/2022 và hiện được chốt ở mức 792 triệu tấn, giảm 0,6% so với năm 2021. Dự báo mức tăng này chủ yếu dựa trên điều chỉnh tăng 6,4 triệu tấn ngũ cốc thô, với sản lượng đạt 501 triệu tấn trong năm 2022, giảm 0,5% so với năm 2021.
Dự báo về tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới trong năm 2022/23 cũng tăng 9,2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 6/2022, lên 797 triệu tấn, nhưng vẫn giảm 1,7 triệu tấn (tương đương 0,1%) so với năm 2021/22, chủ yếu do tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm.
Dự báo dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối mùa vụ năm 2023 sẽ tăng 7,6 triệu tấn so với dự báo trong tháng trước, đạt mức 854 triệu tấn, nhưng vẫn giảm 0,6% so với năm ngoái (giảm 5 triệu tấn). Ở mức này, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc toàn cầu sẽ giảm từ mức 30,7% trong năm 2021/22 xuống còn 29,8% vào năm 2022/23.
Dự báo mới nhất của FAO về thương mại ngũ cốc thế giới trong năm 2022/23 đạt 468 triệu tấn, tăng 4,8 triệu tấn so với dự báo trong tháng 6/2022 nhưng là mức thấp nhất trong ba năm và giảm 11,4 triệu tấn (2,4%) so với năm 2021/22. Chủ yếu là sự sụt giảm thương mại ngũ cốc thô, dự báo sẽ giảm 4,1% (9,5 triệu tấn) trong năm 2022/23 (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023) so với mức ước tính năm 2021/22, phần lớn là do sản lượng ngô giảm do chiến tranh và xuất khẩu lúa mạch từ Ukraine giảm.
FAO cho biết: 46 quốc gia, bao gồm 33 quốc gia ở châu Phi, 10 quốc gia ở châu Á, 2 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe và một quốc gia ở châu Âu đang cần trợ cấp lương thực. Danh sách này hiện bao gồm Ukraine, nơi chiến tranh đã làm cho một số lượng lớn người phải di tản, và Sri Lanka, quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng đa chiều dẫn đến giá cả tăng cao và thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm thiết yếu. Dự báo của FAO về tổng sản lượng ngũ cốc của nhóm các nước thâm hụt lương thực có thu nhập thấp (LIFDCs) trong năm 2022 ở mức 187,8 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức trung bình 5 năm trước.

Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO