menu search
Đóng menu
Đóng

Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc vọt lên cao nhất hơn 12 năm, giá tiêu dùng cao nhất 8 tháng

10:27 09/06/2021

Giá hàng hóa xuất xưởng tại Trung Quốc tháng 5/2021 đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hơn 12 năm do giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, nhất là giá nguyên liệu, và mốc so sánh giá (năm 2020) thấp.
 
Giá tiêu dùng tại thị trường này cũng tăng tháng thứ 3 liên tiếp, mặc dù tăng thấp hơn mức dự kiến.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá sản xuất (PPI) của nước này tháng 5/2021 đã tăng 9,0% so với một năm trước đó do giá dầu thô, quặng sắt và kim loại màu tăng đáng kể. Con số này vượt mức dự đoán 8,5% trong cuộc thăm dò của Reuters, và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 6,8% của tháng 4/2021.
lam phat cua trung quoc cao nhat 12 nam

Chỉ số PPI của Trung Quốc tăng mạnh, chỉ số CPI tăng chậm hơn

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết lạm phát giá hàng hóa tăng mạnh là do cơ sở so sánh thấp (cơ sở so sánh là năm 2020, khi giá giảm vì đại dịch Covid-19), và cho rằng lý do này có thể sẽ khiến con số lạm phát của Trung Quốc quý II và quý III vẫn ở mức cao.
Giá các mặt hàng bao gồm than, thép, quặng sắt và đồng - có ảnh hưởng đến chỉ số PPI, đã tăng mạnh trong năm nay do nhu cầu phục hồi sau khi các nước mở cửa trở lại và thanh khoản trên toàn cầu dồi dào.
Dữ liệu của NBS cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 1,3% trong tháng 5 so với một năm trước đây, cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 8 tháng. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích là +1,9%, mặc dù cao hơn mức tăng 0,9% trong tháng 4.
CPI lõi tháng 5 tăng 0,9%, chủ yếu do giá phi thực phẩm tăng. Giá thịt lợn tháng qua đã giảm gần 24%, kéo theo hầu hết các loại thực phẩm khác cũng giảm giấ theo.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn suy giảm nghiêm trọng hồi đầu năm ngoái do Covid-19. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này quý I năm nay tăng kỷ lục 18,3%, và các nhà kinh tế dự đoán là cả năm 2021 sẽ tăng khoảng 8%.
Tuy nhiên, lạm phát tăng mạnh có nguy cơ ảnh hưởng tới đà hồi phục kinh tế của nước này.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết thực hiện các biện pháp để hạ nhiệt giá hàng hóa và ngăn chặn nguy cơ lạm phát giá sản xuất chuyển sang vai người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách mảng thị trường Trung Quốc đại lục của ING Bank NV, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg TV, cho rằng lạm phát giá sản xuất “không thể chuyển hoàn toàn sang người tiêu dùng” và có thể bắt đầu ảnh hưởng đến lạm phát tiêu dùng trong quý 4 năm nay. Bà cho biết đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở tỉnh Quảng Đông sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng trong những tháng tới, trong khi sự phục hồi ở các thị trường nước ngoài chỉ mới bắt đầu.
Cho đến nay, tác động của giá kim loại tăng chủ yếu xuất hiện ở các ngành công nghiệp thượng nguồn liên quan đến khai thác và chế biến nguyên liệu thô, trong khi mức tăng giá ở các ngành hạ nguồn như đồ nội thất và dệt may là rất ít, theo phân tích của Bloomberg Economics.
Việc giá hàng hóa tăng là do kinh tế toàn cầu hồi phục, kết hợp với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu do đại dịch Covid-19 và những chương trình kích thích khổng lồ của các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới. 
“Giá sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 5, khi giá những mặt hàng như: dầu thô quốc tế, quặng sắt và kim loại màu tăng mạnh, và nhu cầu trong nước phục hồi ổn định”, Dong Lijuan, chuyên gia kinh tế của Tổng cục thống kê, cho biết.
Theo bà, trong mức tăng trưởng 9% cả CPI so với cùng kỳ năm ngoái, hiệu ứng cơ bản đóng góp 3 điểm % và các đợt tăng giá mới góp 6 điểm %.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc coi áp lực lạm phát chỉ là tạm thời. Họ cũng lưu ý đến sự cần thiết phải duy trì sự hỗ trợ cho đà sự phục hồi kinh tế - chưa bền vững. Việc tăng lãi suất không có khả năng sớm xảy ra”, chuyên gia kinh tế Chang Shu cho biết.
Việc chuyển từ PPI sang giá tiêu dùng bị hạn chế b ởi mối liên hệ giữa hai yếu tố này đã yếu đi. Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đã giảm dần do sự gia tăng trong lĩnh vực thương mại điện tử và nhu cầu trong nước chậm lại, có nghĩa là các nhà máy Trung Quốc đang hấp thụ phần chi phí đầu vào tăng hơn là chuyển chi phí đó sang cho người tiêu dùng trong nước.
Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết PPI có thể sẽ tiếp tục tăng trong quý II trước khi điều chỉnh giảm vào nửa cuối năm nay. 

Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg