GDP quý 2 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8%; vận tải hàng hóa tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 đạt 236,7 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Trong nước, cùng với việc triển khai các gói hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt quy mô 2.717 nghìn tỷ đồng và tốc độ tăng 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây; tăng 14,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phân tích, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Áp lực đến từ lạm phát
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3/2022 với 85% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 2/2022.
Đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đạt được những kết quả trên là nhờ việc thực hiện các chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả.
Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, kết quả tăng trưởng ngành công nghiệp và tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã có sự thích ứng tốt với bối cảnh mới, đồng thời cho thấy sự quan tâm về chính sách, đồng hành của các cơ quan, ban ngành trong quá trình thực hiện biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
“Việc mở cửa được dịch vụ du lịch với sự tăng trưởng nhanh và mạnh sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP rất lớn. Số doanh nghiệp thành lập 6 tháng vừa qua rất cao so với thời gian trước đây, các nhà đầu tư trong nước cũng đánh giá khả năng đem lại lợi nhuận, cũng như ổn định và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào thị trường Việt Nam và vốn đầu tư FDI giải ngân tăng liên tục trong thời gian qua khiến hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn, làm cơ sở cho GDP năm nay có thể đạt 6,5- 7,5%”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Tuy nhiên, TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, hiện giá dầu mỏ tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng lên sẽ có những tác động đến lạm phát. Do đó cần có sự điều chỉnh thận trọng hơn về tăng giá của một số lĩnh vực theo quy định.
Về giải pháp cho các tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 6 tháng đầu năm nền kinh tế phục hồi nhanh theo lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19. Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do đó, giải pháp điều hành trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ bao gồm 2 nhóm chính sách, giải pháp. Thứ nhất, các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể triển khai ngay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định đời sống cho người nông dân, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực; ổn định đời sống người nghèo, người thu nhập thấp...
Hai là, các giải pháp, chính sách trong trung và dài hạn để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế về năng suất lao động, chuỗi cung ứng, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh:
Cân đối hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 như đã đề ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, bám sát diễn biến, căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị và chính sách phòng chống Covid-19 của các nước, động thái chính sách của các ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn; kiểm soát lạm phát, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.
Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch trước khi phê duyệt. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục rà soát, thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí theo đúng Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; chú trọng việc dự báo, bảo đảm tính kịp thời trong thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:
Áp lực lạm phát sẽ không quá lớn
Trong những tháng cuối năm các gói hỗ trợ nền kinh tế cần được tổ chức và triển khai tốt sẽ giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục nhanh, từ đó tạo điều kiện cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đối với áp lực về sức ép kiềm chế lạm phát, cần duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay và phối hợp được các chính sách tài khóa, tiền tệ một cách khá nhuần nhuyễn như thời gian mấy năm qua.
Theo tôi dù áp lực lạm phát trên thế giới đang rất cao, nhưng ở trong nước phục hồi nền kinh tế cũng cần có một quá trình, tổng cầu trong nền kinh tế cũng không thể tăng một cách đột biến nên áp lực lạm phát sẽ không quá lớn. Trên thực tế, trong quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam chậm hơn so với thế giới một nhịp nên hiện quá trình phục hồi mới chỉ bắt đầu, việc thực hiện các chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ cần tiếp tục. Tôi tin rằng hoàn toàn có thể kiểm soát được mục tiêu kiềm chế lạm phát, cũng như đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào cải cách thể chế kinh tế
Nếu chúng ta không có những giải pháp thích hợp, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% khó mà thành công trong năm 2022. Nguyên nhân là do giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cộng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo theo giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu gia tăng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hòa trong nước và thế giới. Cùng với đó, lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Do vậy, bên cạnh tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nguyên liệu sản xuất, khơi thông thị trường xuất khẩu thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào cải cách thể chế kinh tế, chuyển mạnh sang nền kinh tế số, Chính phủ điện tử và tập trung nhiều hơn vào thương mại điện tử - bởi đây không chỉ là xu hướng mà còn là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Tránh phụ thuộc về nguyên, nhiên, phụ liệu vào một vài quốc gia
Hiện sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác, đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất,… Điều này gây bất lợi cho Việt Nam khi giá năng lượng, nguyên nhiên vật liệu,... tăng lên. Cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.
Ngoài ra, sau một thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được "bung ra" một cách mạnh mẽ hơn làm cho nhu cầu mua sắm, du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kì mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch, từ đó tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch. Cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa. Những giải pháp trên sẽ giúp hạn chế những biến động về giá cả, góp phần vào việc hạn chế tốc độ tăng CPI chung trong năm 2022 và cả trong những năm tiếp theo.
Nguồn:Haiquanonline