menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính và chính sách nổi bật tuần đến ngày 6/1/2017

10:39 09/01/2017

Vinanet - Giá vàng tăng trong suốt tuần.Tỷ giá trung tâm của NHNN trong tuần xu hướng giảm. Chỉ số PMI tháng 12 giảm xuống 52,4 điểm...


Giá vàng tăng trong suốt tuần

Sau kỳ nghỉ lễ tết Dương lịch, giá vàng trong nước đã có đà tăng trong suốt cả một tuần giao dịch, dao động ở khoảng 36,05 – 36,38 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,55 – 36,70 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Với diễn biến này, giá vàng trong nước đã được rút ngắn hơn so với giá thế giới còn về khoảng 4,7 triệu đồng mỗi lượng. Theo ghi nhận của PNJ, lượng giao dịch vàng miếng trong toàn hệ thống qua các phiên giao dịch tăng hơn 10% so tuần trước đó, đặc biệt gần đến Tết cổ truyền lượng khách mua vàng tích trữ khá nhiều, tuy nhiên nhu cầu lớn nhất vẫn là khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết thúc tuần giao dịch vào sáng ngày 6/1, giá vàng SJC của Công ty MTV Vàng bạc đá quý được niêm yết ở mức 36,38 - 36,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tỷ giá trung tâm của NHNN trong tuần xu hướng giảm

Tuần qua tỷ giá trung tâm của NHNN đã có một tuần đi xuống. Trong suốt 4 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, tỷ giá trung tâm giảm liên tục qua các phiên, dao động ở khoảng 22.154 – 22.162 đồng/USD. Tại các NHTM, trước sự sụt giảm của tỷ giá, giá giao dịch USD lại sụt giảm mạnh hơn, trong vòng 3 ngày mùng 3, 4, 5 tỷ giá USD giảm tới 90 đồng. Kết thúc tuần giao dịch – ngày 6/1, tại Vietinbank, tỷ giá được niêm yết ở mức 22.600 – 22.670 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 60 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với ngày trước đó.

Chỉ số PMI tháng 12 giảm xuống 52,4 điểm

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei, một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất, đã giảm xuống 52,4 điểm trong tháng 12 từ mức 54 điểm - mức cao nhất trong 18 tháng -trong tháng 11. Như vậy, dù có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với tháng trước, song ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 12 đã tăng trưởng 13 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 12 cao thứ hai Đông Nam Á sau Philippines (55,7 điểm).

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Đây được xem là mức tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ...

Cấm kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất nhiều loại hàng hóa nhạy cảm

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị “cấm” kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất nhiều loại hàng hóa nhạy cảm cao, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt lớn bởi tình hình buôn lậu các mặt hàng đang gia tăng nhanh và rất khó kiểm soát.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, không cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất, gửi kho ngoại quan gồm: rượu mạnh Chivas, Ballantines, Cognac, thuốc lá điếu và ô tô qua sử dụng quá 5 năm kể từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, xăng dầu các loại làm thủ tục tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan. Trong kiến nghị trên, Bộ Tài chính quyết liệt hơn khi đề nghị địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, thẩm lậu vào nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa gửi kho ngoại quan thì dừng hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan tại địa phương đó đối với mọi hàng hóa.

Quy định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 169/2016/NĐ-CP quy định việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam. Nghị định quy định rõ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tàu biển đến cảng trả hàng, nếu không có người nhận số hàng đã gửi hoặc người nhận hàng không thanh toán hết các khoản nợ hoặc không đưa ra các bảo đảm cần thiết thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá số hàng đó để trừ nợ…

Bãi bỏ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10257/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 11 năm 2016, chiều tối ngày 4/1/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện

Chính phủ vừa có Nghị định số 147/2016/NĐ-CP điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với cơ sở sản xuất thủy điện. Theo sửa đổi và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2017, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh. Việc tăng mức chi trả tiền DVMTR sẽ gây thêm khó khăn cho các thủy điện khi giá trần bán điện năm 2017 không đổi so với năm 2016. Theo khung giá phát điện được Bộ Công thương ban hành mới đây, mức trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy thủy điện là 1.070 đồng/kWh (chỉ cao hơn 10 đồng/kWh so với năm 2015). Khung giá phát điện đối với thủy điện và nhiệt điện có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Năm 2016, sản xuất của toàn ngành thép tăng so với năm 2015

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2016, toàn ngành thép sản xuất được 8,5 triệu tấn thép xây dựng (tăng 18,3% so với năm 2015). Trong khi đó, tiêu thụ được khoảng 8,4 triệu tấn thép xây dựng (tăng 20,6% so với năm 2015). Hiệp hội đánh giá, điểm nổi bật trong năm nay là tốc độ tăng trưởng thép xây dựng (mặt hàng chiếm tỷ trọng tới gần 50%) đạt mức cao. Các mặt hàng thép cuộn cán nguội, ống thép hàn và tôn mạ các loại cũng đạt tăng trưởng cao. Năm 2017, dự báo ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ không cao như năm 2016. Dự báo mức tăng trưởng 12% so với năm 2016. Tuy nhiên, các loại sản phẩm thép sẽ có tốc độ tăng trưởng khác nhau, cụ thể: Thép xây dựng tăng trưởng 11%, thép lá cuộn cán nguội tăng 13%, thép ống hàn tăng 15%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.

Thu hút FDI: Lạc quan từ đối tác chiến lược

Lũy kế đến ngày 20/12/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt trên 50,7 tỷ USD (chiếm 17,3% tổng số vốn), với 5.747 dự án đầu tư còn hiệu lực. Sự vắng bóng của các dự án tỷ đô đã khiến số vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong năm 2016 không đạt kế hoạch đã đặt ra. Điều này đã được ghi nhận trong báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Theo đó trong năm 2016, nếu xét về số lượng thì dự án cấp mới và tăng vốn vẫn tăng mạnh so với năm 2015.

Tiết kiệm hơn 5,1 tỷ đồng/năm từ cải cách hành chính ngành tài chính

Qua đánh giá của Ban chỉ đạo 896, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn và có tỷ lệ đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân cao. Việc đơn giản hóa này dự kiến sẽ giúp người dân và DN tiết kiệm hơn 5,1 tỷ đồng/năm khi thực hiện các TTHC. Tại báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính  năm 2016 vừa gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 11/2016, đã thực hiện rà soát, ban hành 16 quyết định chuẩn hóa 908 thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ, trên cơ sở đó, đã thực hiện cập nhật các TTHC lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Nguồn: VITIC/Haiquan.vn, taichinhdientu.vn…

 

Nguồn:Vinanet