TS. Nguyễn Minh Phong
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ ảnh hưởng từ các chiến dịch quân sự giữa 2 nước mà còn bởi lệnh trừng phạt của các nước châu Âu và Mỹ tới Nga, theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến tình hình kinh tế toàn cầu nói chung?
Những động thái phức tạp liên tiếp diễn ra gần đây xung quanh quan hệ căng thẳng về ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế giữa Nga với Ukraine, Mỹ, các nước NATO, cũng như nhiều nước khác trên khắp thế giới đã và đang làm dấy lên nhiều quan ngại và dự báo về những hệ lụy quy mô toàn cầu. Trong đó, nổi lên một số ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đời sống kinh tế toàn thế giới.
Những hệ lụy đang được ghi nhận nổi bật là xu hướng tăng nhanh hơn giá xăng dầu, khí đốt, giá vàng và áp lực lạm phát; sự trồi sụt mạnh và nhanh trên các thị trường chứng khoán quốc gia và quốc tế; những gián đoạn và đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch, vận tải xuyên quốc gia của các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế có liên quan đến Nga và Ukraine...
Nga chiếm 1,9% thương mại toàn cầu vào năm 2020. Việc loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) và đóng băng tài sản của Nga tại Mỹ (ước tính, các ngân hàng lớn của Nga bị trừng phạt có tổng tài sản lên tới 1.000 tỷ USD) đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng cụ thể từ Nga sẽ bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và thu hẹp khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu. Đồng thời, nhiều hoạt động thanh toán quốc tế của Nga với các đối tác nước ngoài bị đình trệ (trừ các giao dịch thanh toán năng lượng). Điều này có thể thu hẹp dòng thu nhập ngoại hối của Nga, cũng như hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của ngân hàng trung ương Nga. Hệ lụy kéo theo sẽ là những khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát ở Nga và duy trì quan hệ thanh toán quốc tế giữa Nga với các đối tác và bạn hàng khác trên thế giới, từ đó làm thu hẹp các quan hệ kinh tế thương mại song phương và đa phương tương ứng.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga - Ukraine cũng gây tác động rất lớn đến giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới, như dầu mỏ, nguyên liệu kim loại và hàng nông sản trên thị trường thế giới. Bởi hiện nay, Nga và Ukraine lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới. Nga cung cấp 10% lượng dầu toàn cầu và khoảng 33% lượng khí đốt của châu Âu... Việc gián đoạn nguồn hàng nhập khẩu từ hai nước này vào ASEAN có thể dẫn tới việc các mặt hàng nông nghiệp này của nhiều nước ASEAN bị tăng giá trong thời gian tới.
Vậy với Việt Nam, chúng ta sẽ gặp những ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Với lịch sử hơn 70 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam là đối tác toàn diện quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga đạt trung bình khoảng 30%/năm. Năm 2020-2021, thương mại song phương vẫn tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ 2019, đạt 4,85 tỷ USD. Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án…
Việt Nam- Ukraine thiết lập quan hệ ngoại giao từ 23/1/1992, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Ukraine đứng thứ 36/140 nước có FDI vào Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu 344,6 triệu USD, nhập khẩu 375,8 triệu USD từ Ukraine...
Những con số trên cho thấy kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nga, Ukraine khá lớn nên sẽ không phải ngoại lệ, sẽ chịu nhiều tác động như tôi đã nói ở trên. Trên thị trường trong nước, giá vàng biến động mạnh là một chỉ báo trực tiếp và nổi bật dễ thấy về tác động kinh tế của căng thẳng quan hệ Nga- Ukraine đến Việt Nam, giá vàng đã vượt đỉnh 67 triệu đồng/lượng – mức giá cao nhất trong lịch sử. Đặc biệt, sự hoảng loạn chứng khoán toàn cầu gắn với cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều phiên tác động mạnh. Thời gian tới, theo tôi, những lo ngại này có thể phản ánh rõ hơn qua xu hướng dòng tiền đầu tư xã hội sẽ chuyển dịch từ kênh đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản...
Xin ông cho biết những ngành kinh tế nào của Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều nhất liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine?
Nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang đầu tư, làm ăn ở Nga, Ukraine và các nước Đông Âu có thể chịu những thiệt hại nhất định, như khó khăn trong thanh toán ngoại hối; tăng phí chuyển tiền; thiếu hụt ngoại hối và áp lực các đồng tiền giảm giá, tăng lạm phát ở Nga, Ukraine… gắn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thanh toán quốc tế của Nga với các nước Đông Âu và thế giới.
Việc một số nước châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt và bị Nga đáp trả về vùng cấm bay, đóng cửa không phận lẫn nhau sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự trục trặc hoặc kéo dài giờ bay, chi phí bay cho các tuyến vận tải hàng hóa và du lịch hàng không quốc tế có liên quan đến không phận các nước này. Hoạt động du lịch từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam đi và đến cả Nga và Ukraine phải tạm dừng hoặc gia tăng chi phí, giảm sức hấp dẫn trên thị trường cạnh tranh quốc tế.
Đặc biệt, giá năng lượng tăng có thể làm tăng áp lực lạm phát và tiêu dùng. Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu, chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,4-4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế và chiếm tới 35-40% chi phí đầu vào của lĩnh vực vận tải. Bởi vậy, giá dầu thô tăng sẽ có những tác động hai chiều tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn do làm tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng xã hội, cũng như kéo theo tăng nhập siêu từ mặt hàng này. Việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo việc tăng giá các dịch vụ logistics, vận tải và nhiều mặt hàng thiết yếu khác có liên quan; làm giảm thu nhập và tiêu dùng của người dân, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm cả tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam…
Ngoài cộng đồng đông đảo Việt kiều đang hoạt động ở hai nước Nga và Ukraine, hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 15 dự án đầu tư vào Nga với số vốn khoảng 3 tỷ USD. Những dự án này cũng sẽ có nguy cơ chịu ảnh hưởng, nên cần theo dõi và có những phương án để chủ động ứng phó.
Xin cảm ơn ông!