menu search
Đóng menu
Đóng

Lạm phát ở Mỹ tăng kỷ lục, giới đầu tư tìm đến vàng và Bitcoin

09:41 12/11/2021

Các nhà đầu tư tìm đến những kênh đầu tư có thể chống lại rủi ro lạm phát đang hiện hữu ở Mỹ. Một trong số đó là vàng, tiền mã hóa và cổ phiếu giá trị.
Theo Bloomberg, các cổ phiếu giá trị, tiền mã hóa, vàng và những ván cược vào "đường cong lợi suất phẳng" có thể hưởng lợi trong môi trường lạm phát tăng cao.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.
CPI lõi - loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu - tăng 4,6% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 8/1991. Chỉ riêng giá xăng đã tăng 12,3% trong tháng trước, đóng góp vào hơn 50% mức tăng chung. Giá xe và thực phẩm cũng vọt lên mạnh.
Lạm phát tăng mạnh có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt các chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến. Cơ quan này đã ám chỉ sẽ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trong vòng vài tuần tới.
Cổ phiếu giá trị, vàng và tiền mã hóa thường được coi là các "hàng rào" chống lại rủi ro lạm phát gia tăng. Ảnh: Reuters.
Cổ phiếu giá trị
"Vài ngày gần đây, chúng ta đã có những thông tin đáng chú ý, khiến tất cả đều muốn đề phòng rủi ro lạm phát", ông Chris Weston - trưởng nhóm nghiên cứu của Pepperstone Financial Pty Ltd. - bình luận.
Theo ông, Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác đều tăng trưởng mạnh. Cùng với đó là sự gia tăng của giá vàng.
Giới chuyên gia cho rằng khi tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng lên mức kỷ lục, FED có thể sớm nâng lãi suất. Điều đó đe dọa những cổ phiếu được đánh giá cao, tức các cổ phiếu tăng trưởng.
Đó là những cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai. Như vậy, nhóm cổ phiếu công nghệ nằm trong số những đối tượng dễ gặp rủi ro nhất.

 Các nhà đầu tư có thể tìm tới "hàng rào lạm phát" là những cổ phiếu được định giá thấp. Bởi chúng sẽ duy trì sức mạnh định giá ngay cả khi giá tiêu dùng tăng trên 5%

Ông Ben Emons, chiến lược gia tại Medley Global Advisors
Theo Bloomberg, việc dòng tiền chuyển khỏi các cổ phiếu tăng trưởng có thể giúp những cổ phiếu giá trị hưởng lợi.
Đó là các cổ phiếu được giao dịch ở mức giá thấp hơn so với những yếu tố cơ bản (cổ tức, thu nhập và doanh thu), chẳng hạn trong lĩnh vực tài chính, vật liệu và năng lượng.
Theo ông Ben Emons, chiến lược gia tại Medley Global Advisors, các nhà đầu tư có thể tìm tới "hàng rào lạm phát" là những cổ phiếu được định giá thấp. Bởi chúng sẽ duy trì sức mạnh định giá ngay cả khi giá tiêu dùng tăng trên 5%.
Sau thông tin về lạm phát của Mỹ, dòng tiền cũng chảy mạnh vào thị trường vàng. Trong phiên giao dịch ngày 10/11 trên sàn New York, giá vàng giao ngay có thời điểm chạm ngưỡng 1.866 USD/ounce rồi điều chỉnh về mức 1.849 USD/ounce vào cuối phiên, tăng 17,9 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước.
Tiền mã hóa và vàng
Các nhà đầu tư thường tìm đến vàng - một "hàng rào lạm phát" truyền thống - trong bối cảnh giá cả leo thang. Tuy nhiên, lãi suất thực tế giảm cũng thúc đẩy nhà đầu tư mua những tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn Bitcoin.
Điều đó đã đẩy giá Bitcoin lên ngưỡng kỷ lục mới gần 69.000 USD/đồng. Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa lần đầu đạt 3.000 tỷ USD, theo CoinGecko.com.
"Bitcoin dường như tăng giá mạnh nhờ thông tin về lạm phát của Mỹ. Điều này khá thú vị bởi các nhà đầu tư coi Bitcoin như một 'hàng rào' lạm phát, ngay cả khi không phải lúc nào đồng tiền này cũng hoạt động theo cách đó", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com - trả lời Zing.
"Nhiều người coi Bitcoin là một dạng 'vàng kỹ thuật số'. Vì thế, khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, họ ồ ạt mua Bitcoin để chống lại việc sức mua của đồng USD lao dốc", ông Wilson giải thích.
"Lãi suất danh nghĩa đã biến động nhưng không nhiều. Điều này có nghĩa là lãi suất thực đang giảm", ông nói thêm.
Bitcoin được coi là một dạng "vàng kỹ thuật số" bởi nguồn cung giới hạn. Ảnh: Reuters.
"Phố Wall đang đổ xô tìm kiếm một 'hàng rào' lạm phát và tiếp tục chứng kiến các nhà giao dịch tham gia thị trường tiền mã hóa", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.
Trong khi đó, đường cong lợi suất của Mỹ đang phẳng trở lại. Chênh lệch giữa lợi suất kỳ hạn 5 năm và 30 năm thu hẹp xuống mức chưa từng thấy kể từ tháng 3/2020.
Đường cong lợi suất phẳng được hình thành khi các nhà đầu tư có kỳ vọng trái chiều về thị trường. Do đó, thị trường rất khó tự quyết định hướng chuyển động của lợi suất trong tương lai. Vì thế, lợi suất của những kỳ hạn khác nhau có xu hướng bằng nhau.
Thị trường cũng suy đoán rằng FED sẽ nâng lãi suất sớm, thay vì chờ đến giữa năm 2022. Điều này đã gia tăng sức mạnh cho đồng USD.
Theo Bloomberg, xu hướng này có nguy cơ thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, tác động đến cổ phiếu, trái phiếu và những loại tiền tệ khác.

Nguồn:Thảo Phương/Tri thức trực tuyến

Link gốc