menu search
Đóng menu
Đóng

Logistics kết nối chuỗi giá trị nông sản

11:25 26/11/2019

Cần tập trung xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có năng lực cạnh tranh cao. Ảnh: Việt Tuấn.

Vinanet - Nông nghiệp tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số, khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu. Do đó, việc đầu tư logistics cho nông nghiệp không chỉ tăng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn là nhiệm vụ chính trị...
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều đó tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019.
Phó thủ tướng chỉ đạo, chúng ta cần tập trung xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có năng lực cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển bền vững thị trường logistics ở cả trong nước và khu vực.
Về phía các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam, trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Nhận diện những hạn chế
TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra những vấn đề đặt ra về logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam.
Đó là chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). Kết nối hạ tầng logistics tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu.
Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển. Kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối và chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới hạn chế, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt Nam. Các trung tâm logistics phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối. Quy mô của các trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ, phần lớn dưới 10ha, trung tâm quy mô cấp vùng chưa phát triển...
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cũng chỉ ra, Việt Nam là nước sản xuất nông sản hàng đầu, khối lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều lớn, tuy nhiên giá trị chưa tương xứng.
Một trong những nguyên nhân lớn là do khâu dịch vụ logistics còn bất cập như hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến sơ chế nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ, chuỗi lạnh còn chưa phổ biến, nhiều doanh nghiệp logistics chưa quan tâm đến lĩnh vực nông sản.
Bên cạnh đó, do đặc điểm của nông sản nên dịch vụ logistics cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đầu tư hạ tầng kho, bãi tốn kém hơn nhiều loại hàng hoá khác. Đặc biệt là phần lớn đội ngũ nhân lực logistics thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông sản nên nhiều doanh nghiệp coi chuỗi lạnh là chi phí, không phải là giá trị gia tăng.
Chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân mảnh làm nông sản Việt bị giảm giá trị và không thể vươn xa.
"Như ở Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia, động lực chính của nông nghiệp nhưng các chỉ số kinh doanh lại kém hiệu quả, đặc biệt là khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển.
Trong vùng chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, hệ thống cảng phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, không có cảng biển, thiếu cảng container... làm tăng chi phí từ 7 đến 10 USD/tấn hàng nông sản", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Khuyến nghị đầu tư hạ tầng logistics
TS. Nguyễn Quốc Toản, việc đầu tiên là phải nâng cấp các tuyến vận tải, thiết lập các Trung tâm logistics nông sản đặt ở cả 3 khu vực. Xu hướng mới nhất hiện tại trong lĩnh vực logistics, thích ứng với nền kinh tế chia sẻ, nhấn mạnh các nguồn vốn xã hội, sự trải nghiệm và sáng tạo.
Các hệ thống vận tải, tồn trữ, phân phối có thể thay đổi trên cơ sở kết hợp xu thế tiêu dùng mới và năng lực của các hệ thống kỹ thuật số, tự động hóa, thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo.
Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị là phải gắn chính sách và đầu tư vào hạ tầng giao thông với thương mại và chuỗi giá trị. Tăng cường cơ chế điều phối các chính sách tích hợp giữa thương mại, giao thông và phát triển chuỗi giá trị.
Đảm bảo dữ liệu chi tiết cho phân tích kết nối chuỗi giá trị và ra quyết định. Khuyến khích sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên tỉnh trong chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Cải tiến mô hình khu công nghiệp và khu kinh tế để hỗ trợ tốt hơn sự phát triển chuỗi giá trị....
Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, cần tăng vốn đầu tư cho hạ tầng logistics nông sản như đầu tư vào chuỗi lạnh gồm kho lạnh, xe lạnh và container lạnh.
Bên cạnh đó phải cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ cũng như tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không, xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Đặc biệt phải thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, ứng dụng công nghệ, sàn giao dịch logistics nông sản….
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 đã diễn ra cuộc tọa đàm quy tụ những người đứng đầu ngành Công thương, Nông nghiệp, Giao thông... Đây là những ngành có tác động trực tiếp đến dịch vụ logistics.
Tại toạ đàm, các Bộ trưởng đã đối diện với nhiều câu hỏi liên quan đến việc nâng cao giá trị nông sản Việt thông quan dịch vụ logistics.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Thời gian qua giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những hợp tác chặt chẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trước bối cảnh kinh tế toàn cầu có những chuyển biến phức tạp.
Về lâu dài, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã tham gia, đặc biệt là liên quan đến cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, điều đầu tiên là sản phẩm nông nghiệp của chúng ta phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Việt Tuấn.
 Với thị trường trong nước, chúng ta sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân và nền nông nghiệp của chúng ta. Hiện nay thị trường trong nước với gần 100 triệu dân đang là thị trường tiêu thụ nông sản rất quan trọng của tăng trưởng kinh tế bền vững do đó dịch vụ logistics phải chú ý nhiều đến thị trường trong nước.
Về quản lý Nhà nước, phải tạo quỹ đất để phát triển hạ tầng logictics. Tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải giảm thiểu để hạn chế việc vận chuyển hàng nông sản chậm vì đặc thù của hàng nông sản là nhanh hỏng, thời gian tiêu thụ ngắn.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sau 33 năm chúng ta đổi mới kinh tế, sau 24 năm bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, sau 12 năm trở thành thành viên WTO, những mốc thời gian đó cho thấy Việt Nam chúng ta đã chủ động hội nhập để phát triển kinh tế. Thực tế là chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế thiếu ăn thành nước thu nhập trung bình... Tuy nhiên, chúng ta phát triển kinh tế chưa bền vững, mặc dù có tham gia giá trị toàn cầu nhưng chưa sâu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: Việt Tuấn.
Không gì khác chính logistics là công cụ, biện pháp quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, tăng giá trị đóng góp cho kinh tế thế giới. Đến nay nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị 42,5 tỷ USD năm 2018.
Nhưng một thực tế là chúng ta đi chợ thế giới nhưng đi bằng sản phẩm thô, nặng (trung bình xuất khẩu 40 đến 50 triệu tấn hàng/năm) và ngắn vì chủ yếu tập trung vào thị trường liền kề như Trung Quốc. Ngắn ở đây là do vận chuyển hàng nặng nên không đi dài được.
Nhiệm vụ của logistics là phải làm cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đi dài hơn đến nhiều thị trường ở xa về địa lý, đi sâu hơn về giá trị kinh tế. Mục tiêu của nông sản Việt Nam là sẽ đi sâu vào chuỗi giá trị và hợp lý hơn.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng logistics không phải là nhiệm vụ của ông Bộ trưởng mà của tất cả mọi người, đây là chuỗi ngành kinh tế tổng hợp nên các ngành, kể cả nông dân, lái xe phải bắt tay vào cùng làm...
Đây là sự quan tâm phối hợp, không một người nào có thể giải quyết được mà phải có 3 trục: Chính phủ, Hiệp hội ngành hàng và toàn dân. Người nông dân phải đặt mình vào tâm thế của người dân ở đất nước hội nhập.
Thực tế sức sản xuất nông nghiệp của chúng ta rất tốt nên mới có câu chuyện cái gì cũng thừa. Tuy nhiên giá trị gia tăng chưa cao nên người nông dân chưa giàu nhiều. Do đó câu chuyện nâng cao giá trị nông sản thông qua logistics.... Ở đây không nên hiểu logistics chỉ đơn thuần là ngành trung gian mà ngành đẻ ra giá trị thực sự.
Tôi ví dụ như cây vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa vụ vừa qua đem lại khoản doanh thu 5.000 tỷ đồng thì trong đó dịch vụ logistics đã chiếm đến 2.000 tỷ đồng .

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Vấn đề đặt ra cho ngành giao thông rất nặng nề vì nói đến logistics là nói nhiều đến giao thông. Đến nay giao thông chưa đáp ứng được việc vận chuyển hàng hoá của ngành nông nghiệp và điều này thực sự đáng quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật - Ảnh: Việt Tuấn.
 Hiện chúng ta đang có khoảng 50 tuyến vận tải hàng không trong nước và khoảng 130 tuyến vận tải hàng không quốc tế. Chúng ta đã có đội tàu bay chở hàng đông lạnh nhưng là của một số hãng hàng không nước ngoài còn các hãng hàng không Việt Nam chưa có bất kỳ một đội tàu chở hàng đông lạnh nào do đó các doanh nghiệp vận tải hàng không cần chú ý đầu tư để vận chuyển nông sản đảm bảo và nhanh hơn. 
Chúng ta tập trung 64% nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long và 75% số nông sản ở đây là vận chuyển lên các cảng của Tp. Hồ Chí Minh là bằng đường thuỷ nội địa. Thế nhưng cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại chưa có cảng lớn để xuất khẩu nông sản đi quốc tế và các khu vực khác trong nước, đó là một bất lợi.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Logistics là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản do đó Việt Nam phải tìm giảm chi phí ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có một số vấn đề theo tôi Việt Nam cần lưu ý gồm: Cải tổ, đổi mới xung quanh các trụ cột thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại; Việt Nam tham gia thị trường logistics chậm hơn so với nhiều nước do đó phải triển khai nhanh đơn giản hoá thủ tục thông quan hàng hoá; Xây dựng các trung tâm mang tính cạnh tranh cao hơn; Tăng cường sự cộng tác với khu vực tư nhân nhiều hơn...
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione - Ảnh: Việt Tuấn. 
Tôi tin tưởng Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều hơn trong việc chuyên môn hoá dịch vụ logistics vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản rất lớn. 
Có 6 ý tưởng quan trong Việt Nam cần lưu ý thực hiện đó là: Cải thiện chất lượng sản phẩm, nên hỗ trợ quy mô canh tác lớn hơn để giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng; Kết nối bên cung ứng bên sản xuất, thị trường; Tạo các điều kiện thông qua các FTA để đưa sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế; Cần phải xem xét các kinh nghiệm để lồng ghép câu chuyện về hạ tầng cho xuất khẩu nông sản; Đơn giản hoá các thủ tục thông qua, thông thoáng cho thủ tục thanh toán và chi trả; Xem xét để thiết lập cơ chế phối kết hợp về mặt chính sách như hỗ trợ thương mại, đối thoại công tư để đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp.
 Nguồn: Linh Đan/VnEconomy