Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đã đặt mục tiêu phát triển hạ tầng số, dữ liệu số danh tính số, thanh toán số, kỹ năng số, nhân lực số… để tạo nền móng cho phát triển kinh tế số và xã hội số...
Theo đó, trong phát triển thanh toán số, đến năm 2025 phấn đấu khoảng 80% người dân sẽ có tài khoản thanh toán điện tử với tỷ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt là 75%; tỷ lệ điểm bán hàng hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt đạt tới 90%.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo đề xuất rà soát, sửa đổi các quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cản thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt.
Cùng với việc triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025.
Dự thảo cũng đặt mục tiêu, 90% người dân sẽ mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ người dân có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt khoảng 70%. Cùng với đó, 100% học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số; tối thiểu 50% người nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản…
Ngoài ra sẽ triển khai Chương trình thúc đẩy dịch vụ mobile money, tập trung ưu tiên ở các vùng, miền có tỉ lệ phổ cập dịch vụ ngân hàng còn ở mức thấp. Nâng cấp hệ thống thanh toán quốc gia, trong đó, chú trọng vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng và bù trừ điện tử đáp ứng yêu cầu về số lượng giao dịch, đặc biệt là các giao dịch thanh toán vi mô, giá trị nhỏ dự kiến bùng nổ trong nền kinh tế số.
Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng giao diện thanh toán hợp nhất nhằm chuẩn hóa và tối giản các thao tác thanh toán không dùng tiền mặt giữa các ngân hàng và các trung gian thanh toán khác, giải quyết vấn đề phân mảnh các kênh thanh toán và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng. Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Theo thống kê, Quý 1/2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng, tăng 103% về giá trị; kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỉ đồng, tăng 146%... Hằng ngày các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỉ USD…
Cùng với việc phát triển thanh toán số, dự thảo cũng đặt mục tiêu, 90% người dân sẽ mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ người dân có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt khoảng 70%. Cùng với đó, 100% học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số; tối thiểu 50% người nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản…
Cũng trong giai đoạn đến năm 2025, có 70% tỷ lệ người dân có danh tính số. Mỗi danh tính số trung bình sẽ phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm. Việc phát triển và sử dụng danh tính số theo định hướng phổ cập danh tính số trên điện thoại di động thông minh, tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, một danh tính số có thể sử dụng tất cả các dịch vụ số.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng mạng di động 5G và các thế hệ tiếp theo, triển khai thương mại hoá mạng di động 5G, phổ cập điện thoại di động thông minh với 100% người dân có điện thoại thông minh. Cùng với đó, tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100% và hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình…
Nguồn:Nhĩ Anh/VnEconomy