menu search
Đóng menu
Đóng

Nhắm mục tiêu kinh tế số đạt 30% GDP vào năm 2030

08:53 20/02/2023

Kinh tế số được coi là động lực và trụ cột chính trong phát triển kinh tế. Tuy vậy, phát triển kinh tế số vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đạt 50 tỷ USD vào năm 2050
Trong những năm qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên, trong đó khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững. Trên thế giới, CMCN 4.0 và kinh tế số đã phát triển khá nhanh từ trước năm 2020, song những cạnh tranh về địa chính trị trong lĩnh vực công nghệ và sự dè dặt về lợi ích – chi phí và khả năng quản lý đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc các quốc gia tiếp cận kinh tế số. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra đã buộc các quốc gia phải gia tăng ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số một cách toàn diện. Ứng dụng công nghệ số chính là một giải pháp cốt lõi để giảm những hệ lụy tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên hoạt động của một nền kinh tế, sự vận hành của một doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Các xu hướng nổi bật của kinh tế số trên thế giới bao gồm phát triển thương mại số, thỏa thuận kinh tế số, ứng dụng đồng tiền số và ngân hàng số. Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế số, cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg), thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử (Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP…), cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các Hiệp định Thương mại tự do. Hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều dự án luật liên quan đến hệ sinh thái số đang được triển khai đồng bộ như: Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về quản lý thuế; Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử… Nhờ đó, Việt Nam đã xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% Chi cục Hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...
Báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company cũng cho thấy, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 – 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.
Phát triển bền vững nhờ yếu tố xanh
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Theo báo cáo của WEF GCI (2019), về tăng trưởng của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), điểm số của Việt Nam xếp thứ 15 trên tổng số 20 quốc gia; về khả năng thích ứng của khung pháp lý đối với các mô hình kinh doanh số, Việt Nam xếp thứ 17 trên tổng số 20 quốc gia. Do đó, để hoàn thiện chính sách đối với kinh tế số, ông Dương đề xuất cần nhanh chóng hoàn thiện các vấn đề liên quan đến an toàn an ninh mạng; các chính sách cạnh tranh; thuế với nền tảng số; quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cần phát huy trách nhiệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trên nền tảng thương mại số (ví dự như phòng chống buôn bán động vật hoang dã trên nền tảng số). Bên cạnh đó, cần tư duy hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò và trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi của người mua, xử lý nhanh chóng các tranh chấp thương mại trực tuyến hướng tới một nền kinh tế số phát triển bền vững.
Còn theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong vấn đề phát triển thương mại điện tử xanh – thương mại điện tử gắn liền với bảo vệ môi trường, rác thải bỏ đi khi mua sắm trực tuyến gấp 7 lần so với rác thải bỏ đi khi mua sắm tại cửa hàng. Số liệu thống kê về yêu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì từ Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy, có khoảng 86% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững; đồng thời 77% người tiêu dùng mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai. Bao bì bền vững được định nghĩa là phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng. Hoạt động này làm giảm tác động môi trường và dấu chân sinh thái của chất thải sản phẩm tiêu dùng.
“Như vậy có thể thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu, do đó tính bền vững và bao bì ít chất thải phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp”, bà Việt Anh nhấn mạnh.
Nhằm giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường, trong khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và xây dựng logistics thông minh, tối ưu hoá vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có các giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.

GS, TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Loại tài nguyên không phải là vốn, lao động, mà là dữ liệu

Với kinh tế số sẽ có một loại tài nguyên không phải là vốn, lao động, mà là dữ liệu. Với dữ liệu, lần đầu tiên, nhân loại có được một đầu vào của quá trình sản xuất do con người tạo ra mà không phải dựa vào thiên nhiên. Đó chính là nguồn lực mới, tạo ra kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, kinh tế internet, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động cơ bản, qua đó sẽ đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cơ cấu nền kinh tế gia tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” (Tổ chức Data61 - Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm hàng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số. Về năng suất lao động, tính cho cả giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể.
Như vậy, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là khá quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. Báo cáo nghiên cứu tác động của chuyển đổi số đến năng suất lao động của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy ở giai đoạn chuyển đổi số còn chậm mà đã tác động rất quan trọng giúp tăng 10% năng suất lao động.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông: Việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số
Theo tính toán của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành trong suốt 3 quý năm 2022. Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%) và hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số (tăng gần 104% so với quý 1/2022).
Theo số liệu tạm tính, đóng góp của kinh tế số cho GDP quý 3/2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó: kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,15%; kinh tế số nền tảng ước tính đóng góp 2,84% và kinh tế số ngành ước tính đóng góp khoảng 4,28%.
Để có kinh tế số thì phải có thị trường số, phải có không gian số, dữ liệu số và việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của Bộ Thông tin và Truyền thông là phải bảo đảm hạ tầng số đến tận người dân. Để phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tổ cộng đồng hướng dẫn người dân về ứng dụng số, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn mua bán hàng hóa qua điện thoại thông minh… Để bảo đảm an toàn an trên không gian mạng, sắp tới 100% điện thoại thông minh sẽ được cài đặt ứng dụng bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế số có liên quan đến phát triển bền vững, Bộ đã triển khai để xem ảnh hưởng khi bị cắt đứt Internet quốc tế và cố gắng đảm bảo ít nhất 70 - 80% hoạt động kinh tế số khi có sự kiện nào đó khiến Internet quốc tế bị cắt đứt.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Để kinh tế số phát triển, internet phải tốt
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD. Đáng chú ý là thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực và được Chính phủ, cũng như các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy, nhưng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn khi có tới 86% các giao dịch điện tử vẫn được thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, để kinh tế số phát triển cần hạ tầng công nghệ thông tin, Internet phải tốt. Vậy mà thời gian qua, có đến 5 đường cáp quốc tế thì 4 đường không kết nối được. Kết nối Internet chậm đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những người kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện vẫn không thấy nhà mạng nào tính đến việc giảm phí.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam: Lazada Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Trong những năm qua, Lazada Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bồi dưỡng nhân tài và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương thông qua nhiều sáng kiến có ý nghĩa giúp bảo vệ môi trường. Với mong muốn góp phần hạn chế rác thải từ bao bì trong thương mại điện tử, Lazada Việt Nam đã phát hành cuốn Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường. Cuốn cẩm nang đưa ra những lời khuyên hữu ích để các nhà bán hàng thuộc mọi quy mô có thể đóng gói hàng hóa đúng quy chuẩn và hiệu quả nhằm tiết kiệm nguyên liệu đóng gói, giảm thiểu các rủi ro sai sót, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Ngoài ra, Lazada cũng thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau đại dịch cùng hàng loạt các sáng kiến hướng tới phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như: hoạt động quản trị vì mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; hoạt động cộng đồng; bồi dưỡng nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu và báo cáo…
Đáng chú ý, trong năm 2023, Lazada Logistics sẽ đưa 100 chiếc xe máy điện đầu tiên vào giao hàng tại thị trường Việt Nam, góp phần giảm phát thải. Lazada còn hợp tác với các thương hiệu nhằm tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Xuân Thảo (ghi)

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc