menu search
Đóng menu
Đóng

Những điểm đáng chú ý của kinh tế nửa đầu năm 2018

08:17 07/07/2018

Vinanet -Nửa đầu năm 2018, con tàu kinh tế đang đi với vận tốc tích cực và tăng trưởng GDP trong 6 tháng qua đã phản ánh điều đó. Có nhiều điểm sáng đem lại kết quả khả quan này, từ đó thêm kỳ vọng cho việc hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2018 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại về vấn đề giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vì CPI đã gia tăng lên mức đáng ngại.
GDP tăng cao nhất trong 7 năm
Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2018 đã rõ nét với nhiều gam màu tươi sáng hơn, sau khi kết quả phát triển kinh tế cuối tuần rồi được Tổng cục Thống kê công bố.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là tăng trưởng GDP đã đạt con số hết sức ấn tượng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua. Trong đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 sau khi được cập nhật và tính toán lại đã được điều chỉnh từ 7,38% lên 7,45%, (tăng 0,07% so với con số ước tính 7,38% được công bố trong quý I) và quý II GDP tăng 6,79%, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 đến nay. “Điều này khẳng định tính kịp thời, hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2018”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Một trong những điểm sáng đóng góp lớn cho bức tranh kinh tế thời gian qua chính là khu vực FDI và xuất khẩu. PGS. TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) đã có những phân tích cụ thể về hai lĩnh vực này. Về thu hút FDI, sau rất nhiều lo ngại vì hết tháng 5/2018, thu hút FDI vẫn chưa thực sự khởi sắc khi số vốn thu hút giảm so với cùng kỳ, song đến tháng 6, thu hút FDI đã thực sự bứt phá. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt tới con số hơn 20,3 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, dù thu hút có vẻ trồi sụt, giải ngân vốn FDI thực sự tốt từ đầu năm đến nay, và đây mới thực sự là hiệu quả của nguồn vốn từ khu vực này đóng góp cho nền kinh tế. Đặc biệt, sau nhiều trông ngóng, FDI đã có sự góp mặt của những dự án “tỷ đô”.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. “Đáng chú ý, nếu so với cùng kỳ 2017, số lượng nhóm hàng XK tỷ đô trong 6 tháng đầu năm nay đã gia tăng lên 20 mặt hàng so với con số 19 của năm ngoái. 20 nhóm hàng này chiếm 85,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, trong nửa đầu năm, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo cũng là khu vực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Ở khu vực công nghiệp là sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 13,02%, cao nhất trong 7 năm gần đây. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của khu vực FDI, cụ thể là hai DN FDI lớn hiện nay là Samsung và Formosa. Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp của hai công ty FDI lớn nhất của Việt Nam là Samsung và Formosa đóng góp 28% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kiểm soát lạm phát phải được ưu tiên
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nông nghiệp, thủy sản cũng là lĩnh vực thu được nhiều thành công nhất trong 6 tháng qua. Nhìn vào con số thống kê cho thấy, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng trưởng 3,28%, đóng góp 0,45% vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng, thì kinh tế nửa đầu năm còn có nhiều hạn chế, tồn tại. Đầu tư công, vốn là vấn đề được nhắc đến khá nhiều, được đôn đốc ngay từ đầu năm, song hết nửa năm mới chỉ giải ngân được 36%, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ từ nay đến cuối năm rất nặng nề. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lưu ý, theo Tổng cục Thống kê, đó là cán cân thương mại nhập siêu 2 tháng liên tiếp, đặc biệt nhập siêu lớn ở các nước có ký FTA. Cụ thể, sau khi duy trì xuất siêu hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 4 nhưng Việt Nam đã bắt đầu nhập siêu trong tháng 5 (nhập siêu 814 triệu USD) và tháng 6/2018 (nhập siêu 100 triệu USD). Đặc biệt, cùng với đà tăng trưởng, lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Sự gia tăng đáng kể của chỉ số CPI thời gian qua do nhiều yếu tố và làm dấy lên lo ngại về vấn đề kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô của năm 2018 đồng thời cho rằng kiểm soát lạm phát phải thực sự được ưu tiên.
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng cuối năm, một số yếu tố đáng chú ý sẽ tác động đến lạm phát như: Tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2018, tăng giá dịch vụ giáo dục vào tháng 9/2018; giá thực phẩm, trong đó cụ thể là thịt lợn tăng cao cũng là yếu tố tiềm ẩn cho 6 tháng cuối năm; giá xăng dầu cũng là yếu tố khó dự báo, là yếu tố rủi ro của 6 tháng cuối năm tác động tới lạm phát… Tuy nhiên, “Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu đều rà soát, cập nhật tình hình kinh tế trong nước và thế giới cũng như các yếu tố điều hành, đưa ra các kịch bản từng tháng để tham mưu kịp thời cho Chính phủ. Với những chỉ đạo quyết liệt như vậy, tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2018 sẽ đạt được”, bà Đỗ Thị Ngọc khẳng định.
Nhận định về tăng trưởng kinh tế cả năm 2018, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh xu hướng tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn đầu năm, “nhưng nếu chúng ta tận dụng được các năng lực, tiềm năng hiện có thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2018”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt được về mặt số học là rất tốt nhưng quan trong hơn phải là chất lượng của tăng trưởng. Đơn cử, hiện GDP tăng trưởng cao nhưng vẫn thuộc vào FDI. XK là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng nửa đầu năm, song XK của Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào FDI, giá trị mang lại cho nền kinh tế chưa cao như kỳ vọng. Vì thế, cần tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng, đó là thách thức và cũng là yêu cầu cấp thiết trong điều hành nền kinh tế.
Nguồn: Hải quan online