menu search
Đóng menu
Đóng

Những thông tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

14:55 10/05/2019

Vinanet -Thông tin về vòng đàm phán thương mại cấp cao Trung – Mỹ lần thứ 11, những chính sách của chính phủ Mỹ, nước Anh với Brexit, GDP của Nga vượt Đức lợt vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới… là những tin đáng chú ý trên thế giới tuần qua tính đến ngày 10/5/2019.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa lớn nền kinh tế toàn cầu
Căng thẳng thương mại và việc trả đũa thông qua các biện pháp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bối cảnh tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có nguy cơ gia tăng trở lại sau những dấu hiệu lắng dịu thời gian qua.
Hồi tháng trước, IMF dự báo rằng tình trạng kinh tế thế giới chậm lại có thể diễn ra vào cuối năm 2019, một phần do bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa thể giải quyết. Các quan chức IMF cho rằng sự phục hồi hiện tại chỉ là tạm thời. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,3%, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.
Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ lợi ích trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Trong tuyên bố ngày 9/5, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ lợi ích của nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng hy vọng Washington có thể giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại thay vì các bước đi đơn phương.
Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Mỹ áp thuế 25%
Trước thời điểm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để tham gia vòng đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ mới, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nếu Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ từ ngày 10/5 như tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên Twitter, Trung Quốc “đành phải đưa ra biện pháp trả đũa cần thiết”.
Trong tuyên bố của người phát ngô của Bộ Thương mại Trung Quốc tối ngày 8/5, sự leo thang xung đột thương mại Trung-Mỹ không mang lại lợi ích cho người dân hai nước và nhân dân thế giới. Phía Trung Quốc lấy làm tiếc nếu các biện pháp thuế quan của Mỹ được thực thi và khi đó, Trung Quốc sẽ phải có biện pháp trả đũa cần thiết.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/5.
Mỹ áp đặt trừng phạt 2 ngành công nghiệp chủ chốt của Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 đã ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran. Sắc lệnh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tehran tuyên bố sẽ từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đúng một năm sau khi Mỹ cũng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này..
Nhà Trắng cho biết sắc lệnh nhằm vào lĩnh vực mỏ và kim loại, hai nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Nhà Trắng cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình.
Nga sẽ vượt qua Đức về GDP và lọt vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Ngày 8/5, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã phê chuẩn kế hoạch các mục tiêu quốc gia phát triển đất nước từ nay đến năm 2024. Theo đó Nga sẽ vượt qua Đức về Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) và lọt vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kế hoạch đặt ra các con số cụ thể về GDP: năm 2019 GDP Nga sẽ phải tăng 1,3%, năm 2020 – 2,0%, 2021 – 3,1%, 2022 – 3,2%, 2023 – 3,3% và 2024 – 3,3%. Nếu như vậy nền kinh tế Nga sẽ chiếm vị trí thứ 5 thế giới vào năm 2023.
Thủ tướng Anh cam kết trình thỏa thuận Brexit lên Hạ viện trong 2 tuần tới
Thủ tướng Anh Theresa May cam kết sẽ trình thỏa thuận Brexit lên Hạ viện bỏ phiếu lần thứ 4 trong vòng hai tuần tới để phá vỡ thế bế tắc trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) ngày 23/5.
Bà May cũng cho biết sẽ có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Ủy ban 1922 (gồm các nghị sĩ Bảo thủ không có ghế trong chính phủ) để thảo luận về tiến trình ra đi của bà trong thời gian tới. Theo nhận định của báo chí địa phương, khả năng thỏa thuận Brexit được thông qua trong lần đệ trình tới đây vẫn rất thấp.
Mỹ ấn định thời điểm tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
Theo thông báo của Công báo Liên bang Mỹ ngày 8/5, nước này sẽ nâng thuế từ mức 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.
Quyết định này sẽ có hiệu lực vào ngày 10/5 tới.
Thông báo nêu rõ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ thiết lập một quy trình để đưa một số sản phẩm nhất định khỏi danh sách trên.
Iraq sẽ ký thỏa thuận trị giá 53 tỷ USD để gia tăng sản lượng dầu
Ngày 7/5, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết, nước này sẽ ký thỏa thuận trị giá 53 tỷ USD với Exxon Mobil (Mỹ) và PetroChina (Trung Quốc) nhằm gia tăng sản lượng dầu của nước này.
Theo Thủ tướng Mahdi, chính phủ hỗ trợ Bộ Dầu khí Iraq ký thỏa thuận với Exxon Mobil và PetroChina trị giá 53 tỷ USD. Đây là một dự án lớn liên quan đến việc bơm nước biển vào các mỏ dầu ở Iraq, cũng như tăng sản lượng dầu ở hai mỏ dầu Nahr Bin Umar và Artawi từ 100.000-125.000 thùng/ngày hiện nay lên 500.000 thùng/ngày.
Ông Mahdi đưa ra bình luận trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định sẽ không gia hạn cơ chế miễn trừ trừng phạt cho phép tám nền kinh tế tiếp tục mua dầu của Iran sau khi cơ chế này hết hiệu lực vào đầu tháng 5/2019.
Đâu là khúc mắc chính trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung?
Theo kế hoạch, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ 11 trong 2 ngày 9-10/5 tới tại Washington nhằm tìm cách chấm dứt những căng thẳng về thương mại giữa 2 nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những cuộc tranh cãi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này lại chủ yếu nằm ở các ngành công nghệ cao trong tương lai.
Những điểm khúc mắc chính trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể bao gồm mở cửa thị trường Trung Quốc, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, tấn công mạng, trợ cấp, thao túng tiền tệ, cơ chế thực thi thỏa thuận và thuế quan.
Trung Quốc tự tin đối mặt với thách thức trong đàm phán thương mại với Mỹ
Tờ Nhân dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 8/5 đăng bài bình luận khẳng định Trung Quốc sẽ bình tĩnh trước những đe dọa của Mỹ về việc tăng thuế và tự tin đủ khả năng đối mặt với những thách thức trong đàm phán thương mại.
Trước phản ứng đối với đe dọa tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Trung Quốc nhấn mạnh thuế quan sẽ không giải quyết được bất cứ tranh chấp thương mại nào giữa hai nước. Trung Quốc mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán, đồng thời hy vọng Washington sẽ cùng Bắc Kinh phối hợp giải quyết những quan ngại của cả hai bên.
Cà chua Mexico bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 17,5%
Ngày 7/5, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố loại bỏ Thỏa thuận đình chỉ điều tra chống bán phá giá với cà chua của Mexico từ năm 1996 và áp mức thuế nhập khẩu 17,5%.
Liên quan tới quyết định trên của phía Mỹ, Bộ Kinh tế Mexico đã bày tỏ sự thất vọng và quan ngại rằng biện pháp thuế quan này sẽ gây thiệt hại trên 350 triệu USD/năm đối với các nhà xuất khẩu cà chua của Mexico và đồng thời sẽ gây thiệt hại tới người tiêu dùng Mỹ khi giá cà chua sẽ tăng từ 38-70%.
EU hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khối
Ngày 7/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khối trong năm 2019, đồng thời cảnh báo nguy cơ nợ công của Italy tăng mạnh.
Trong dự báo hàng quý, EC cho rằng sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đã tác động tiêu cực đến lòng tin toàn cầu.
Do đó, tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay sẽ chỉ ở mức 1,2%, thấp hơn so với con số 1,3% được EC đưa ra vào tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, EC dự báo kinh tế EU, bao gồm cả Anh, sẽ tăng trưởng ở mức 1,4%, thay vì mức dự báo trước đó là 1,5%.
Thặng dư thương mại quý I/2019 của Australia cao kỷ lục
Cơ quan Thống kê Australia (ABS) cho biết với dữ liệu đã được điều chỉnh theo mùa, thặng dư thương mại của nước này đạt 4,95 tỷ đôla Australia (3,48 tỷ USD) trong tháng 3/2019, đưa thặng dư thương mại trong cả quý I/2019 lên 14,2 tỷ đôla Australia (9,99 tỷ USD) tổng cộng.
Theo Bộ trưởng Ngân khố Australia, Josh Frydenberg cho rằng nền kinh tế nước này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời gian tới. Đó là thị trường nhà ở hạ nhiệt, tăng trưởng tín dụng giảm và lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Trên thế giới, căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn, nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và đã có hiện tượng mất đà tăng trưởng ở Nhật Bản, châu Âu và các nền kinh tế tiên tiến khác.
Người dân Trung Quốc mua sắm hơn 1/3 hàng xa xỉ toàn cầu
Trong năm 2018, người tiêu dùng Trung Quốc ở trong và ngoài nước đã chi tới 770 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 115 tỷ USD) cho các mặt hàng xa xỉ. Và dự kiến, con số này sẽ tăng gấp đôi lên 1.200 tỷ nhân dân tệ (180 tỷ USD) vào năm 2025.
Báo cáo hàng xa xỉ Trung Quốc 2019, do Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company (Mỹ) công bố mới đây, cho hay mỗi hộ gia đình tiêu dùng hàng xa xỉ đã chi tiêu trung bình 80.000 NDT (13.000 USD) mỗi năm.
Trong giai đoạn 2012-2018, Trung Quốc đã tạo ra hơn 50% tăng trưởng toàn cầu về chi tiêu cho mặt hàng xa xỉ và dự kiến con số đó sẽ đạt 65% vào năm 2025.
Xuất khẩu của Campuchia sang EU có thể giảm mạnh khi hết ưu đãi EBA
Theo báo cáo công bố ngày 6/5 của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Liên minh châu Âu (EU) có thể bị giảm từ 513- 654 triệu USD, nếu Campuchia không còn được hưởng quy chế ưu đãi thương mại "Everything But Arms" (EBA, Tất cả trừ vũ khí), theo đó tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia sang EU đều được miễn thuế, trừ vũ khí.
Báo cáo nói trên của WB cũng nêu rõ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia sang thị trường EU năm ngoái đạt 3,65 tỷ USD, trong khi ngành da giày và gạo lần lượt là 508 triệu USD và 177,5 triệu USD. Nếu EU ngừng EBA, theo đó mức thuế được áp với những ngành hàng xuất khẩu của Campuchia vào khối này lần lượt sẽ là dệt may 12%, da giày 16% và xe đạp 10%.
Đức sử dụng xe tải điện để vận chuyển container
Công ty vận tải Contargo của Đức đã chính thức đưa vào vận hành chiếc xe tải sử dụng năng lượng điện đầu tiên để vận chuyển các container. Chiếc xe này được Contargo sử dụng tại cảng Duisburg, cảng nội địa lớn nhất thế giới nằm ở khu vực phía Tây nước Đức với nhiệm vụ thu gom các container ở các địa điểm khác nhau trong bán kính 40 km.
Sức mạnh của xe nằm ở động cơ điện 210 kW, giúp xe có thể chở các container có trọng tải tối đa lên đến 37 tấn. Với một lần nạp đầy ắc quy, xe có thể vận hành khoảng 100 km. Dự kiến đến cuối năm nay, chiếc xe tải chạy bằng điện thứ hai sẽ được đưa vào sử dụng ở cảng Duisburg, và 4 chiếc nữa sẽ được sử dụng tại 2 cảng khác của Đức.
Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tham gia phát triển thành phố thông minh ở Thái Lan
Sáng kiến về thành phố thông minh thuộc Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan nhiều khả năng sẽ là dự án phát triển thứ hai có sự hợp tác của của Trung Quốc và Nhật Bản.
Tổng thư ký Văn phòng EEC Kanit Sangsubhan cho biết: “Chúng tôi chưa lên thời gian biểu cho việc mở thầu phát triển thành phố thông minh ở khu vực EEC vì chính phủ đang tập trung vào năm dự án cơ sở hạ tầng”.
Năm dự án trên bao gồm dự án đường sắt cao tốc nối 3 sân bay chính trị giá 225 tỷ baht (7 tỷ USD); dự án sân bay U-tapao trị giá 290 tỷ baht (9 tỷ USD); dự án trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) theo hai giai đoạn trị giá 10,6 tỷ baht (330 triệu USD); giai đoạn thứ ba của cảng biển Chabang trị giá 114 tỷ baht (3,6 tỷ USD); và giai đoạn thứ ba của cảng biển Map Ta Phut trị giá 55,4 tỷ baht (1,7 tỷ USD).
Việt Nam có số người sử dụng thanh toán di động tăng cao nhất Đông Nam Á
Việt Nam có số lượng người sử dụng phương thức thanh toán di động tăng cao nhất, với mức tăng từ 37% năm 2018 lên 61% trong năm 2019.
Thái Lan đã nổi lên thành nước có tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua thiết bị di động nhanh thứ hai ở Đông Nam Á, sau Việt Nam - một trong nước đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Theo Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu 2019 của PwC được truyền thông sở tại công bố, Đông Nam Á đang dẫn đầu trong sự thay đổi của khách hàng sang thanh toán qua thiết bị di động. Thanh toán di động ở Thái Lan đã tăng từ mức 19% lên 67%, trong lúc Malaysia tăng từ 17% lên 40% và Philippines từ 14% lên 45%.
Việt Nam có số lượng người sử dụng phương thức thanh toán di động tăng cao nhất, với mức tăng từ 37% năm 2018 lên 61% trong năm 2019.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet