Thống kê này được Bank of America đưa ra dựa trên giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng trên trái phiếu chính phủ.
Đây là một công cụ tài chính dựa trên nguyên tắc của hợp đồng hoán đổi, giống như một hợp đồng bảo hiểm. Tức là người mua sẽ trả cho người bán một khoản phí để được bảo hiểm cho rủi ro trong trường hợp vỡ nợ, cụ thể ở đây là nhà phát hành trái phiếu vỡ nợ.
Phí bảo hiểm tỷ lệ nghịch với độ tín nhiệm của trái phiếu. Trái phiếu có độ rủi ro càng thấp thì phí bảo hiểm càng nhỏ và ngược lại.
Bản đồ rủi ro nợ công thế giới (Bank of America)
|
Bản đồ rủi ro nợ công thế giới (Nguồn: Bank of America)
|
Theo xếp hạng này, Venezuela đang là nước có rủi ro nợ công cao nhất. Chi phí bảo hiểm cho rủi ro nợ công của nước này cao gần gấp đôi so với 2 nước theo sau là Hy Lạp và Ukraine. Nước còn lại trong nhóm các quốc gia có rủi ro nợ công nguy hiểm là Pakistan.
Tiếp theo đó là nhóm các nước có rủi ro nợ công đáng báo động; bao gồm Ai Cập, Cyprus, Nga, Brazil, Kazakhtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Đông Nam Á; trong khi các quốc gia còn lại như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines… nằm ở ngưỡng rủi ro nợ công thấp hơn.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng mới cũng cho thấy, Trung Quốc đứng thứ 23 thế giới về rủi ro nợ công.
Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới là những nước có tỷ lệ rủi ro nợ công thấp nhất. Theo đó, đứng đầu bảng về độ an toàn là Đức, theo sau là Thụy Sỹ và Thụy Điển. Mỹ, Anh lần lượt ở vị trí thứ 4 và 5.
Theo báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 22/7, tổng nợ công (nợ của chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) của Việt Nam đã tăng từ 54,5% GDP 2013 lên mức 59,6% năm 2014.
Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam (nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD). Tức là mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.200 USD nợ công.
Con số này cũng trùng khớp với số liệu mà Bộ Tài chính đã công bố trước đó. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014, ước tính là 2,346 triệu tỷ đồng; tương đương khoảng 110 tỷ USD.
Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014. Trong đó 79,6% con số này là nợ chính phủ, 19% là nợ được chính phủ bảo lãnh và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương.
Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014. Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014.
Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do chính sách thắt chặt tài khóa.
Mỗi người dân Việt Nam đang “gánh” 1.003 USD nợ công
Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 9h00 (giờ Việt Nam) hôm nay (15/8/2015), nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 91,357 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 1.003 USD; nợ công chiếm 46,2% GDP; tăng 9,7% so với năm 2014.
Theo Hồng Lam
Trí thức trẻ
Nguồn:Trí Thức trẻ