Thế nhưng, từ năm 2008 đến nay, tốc độ tích tụ nợ có xu hướng tăng ngày càng nhanh. Nghiên cứu của Jubilee Debt Campaign’s (JDC), với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), khẳng định thế giới đang rơi vào một bẫy nợ công mới.
Báo động đỏ
Tính đến cuối năm 2014, tổng nợ thế giới là 199.000 tỷ USD. Đây là con số nợ lớn nhất từ trước tới nay, tương đương 286% GDP toàn cầu. Điều nguy hiểm, theo Viện McKinsey Global Institute (MGI), đã 7 năm trôi qua từ cuộc đại khủng hoảng năm 2008, nhưng mức tích tụ nợ không hề giảm, ngược lại ngày càng tăng nhanh ở tất cả nền kinh tế lớn trên thế giới.
So với năm 2007, tổng nợ toàn cầu tăng 57.000 tỷ USD, nâng tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu lên 17 điểm phần trăm. Điều này đe dọa sự ổn định tài chính và có thể làm sụp đổ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mức độ tăng nợ diễn ra nhanh nhất không phải ở Hoa Kỳ hay Nhật Bản, mà ở Trung Quốc. Tổng nợ của nước này đã tăng từ 7.000 tỷ USD năm 2007 lên 28.000 tỷ USD hiện nay, tức tăng tới 400%. So với GDP, nợ của Trung Quốc tương đương 282%, lớn hơn cả Hoa Kỳ hay Đức.
Có 3 điểm đáng lo ngại đối với khối nợ của Trung Quốc: một nửa các khoản vay có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản (được cho là trong tình trạng bong bóng); hoạt động cho vay của ngân hàng ngầm chiếm gần một nửa các khoản vay mới; các khoản nợ của chính quyền nhiều địa phương hầu như không bền vững.
Càng nghèo càng vay
Từ năm 2008 diễn ra sự bùng nổ trong hoạt động vay mượn ở các nước nghèo. Các khoản vay nước ngoài của chính phủ các nước có thu nhập thấp đã tăng tới 300% trong giai đoạn 2007-2013, theo JDC. Từ 2008-2009, việc gia tăng cho vay tăng mạnh do các nước phát triển muốn giúp những nước nghèo vượt qua khó khăn do cuộc khủng hoảng toàn cầu mang lại.
Từ năm 2012, làn sóng cho vay lại bùng phát mạnh để giúp giải quyết những vấn đề về cấu trúc. Dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), JDC tính ra rằng 11 nước nghèo (26%) vẫn đối mặt với các khoản chi trả nghĩa vụ nợ ngày càng lớn nếu kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh trong thập niên tới như dự báo của IMF và WB. Trường hợp kinh tế không tăng được như dự báo của IMF và WB, con số này sẽ tăng lên 25 nước (60%).
Theo WB, hoạt động vay nợ ở các nước thu nhập thấp (thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000USD/năm) chủ yếu diễn ra tại khu vực công, chiếm tới 90%. Trong đó, 60% các khoản vay từ các định chế đa quốc gia và gần 30% khoản vay từ các chính phủ nước ngoài; khu vực tư chỉ vay 10%. Các khoản vay này đều lớn hơn trước năm 2008 về số lượng.
Chẳng hạn, các khoản vay từ WB tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2007 lên 4,7 tỷ USD năm 2013 (tăng 70%). Các khoản vay từ các định chế đa quốc gia (bao gồm cả WB) tăng từ 5 tỷ USD lên 9,4 tỷ USD trong cùng kỳ. Vay từ các chính phủ nước ngoài tăng từ 1 tỷ năm 2007 lên 5,3 tỷ USD năm 2013 (tăng tới 430%). Đối với khu vực tư, hoạt động vay nợ tăng từ 1,1 tỷ USD năm 2009 lên 2,7 tỷ USD năm 2013 (tăng 145%).
Hầu hết khoản cho vay tư là vay trực tiếp từ các ngân hàng nước ngoài. Thêm vào đó, năm 2013 lần đầu tiên có 2 nước nghèo phát hành trái phiếu là Rwanda và Senegal, kể từ đó nhiều nước đã học theo. Ngoài ra, các khoản viện trợ dưới dạng cho vay tới các nước nghèo cũng tăng từ 9 tỷ USD năm 2006 lên 18 tỷ USD năm 2013, theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD).
Đối với các nước trung bình (thu nhập bình quân đầu người từ 1.000-13.000USD/năm), hoạt động vay mượn chủ yếu ở khu vực tư, thông qua phát hành trái phiếu và vay ngân hàng.
Từ năm 2008-2013, các nhà cho vay tư nhân chiếm 55% khoản cho vay đến các nước trung bình, kế đó là các định chế đa quốc gia với 30%, tiếp theo là các chính phủ nước ngoài với 15%. Giá trị cho vay của khu vực tư đến các nước trung bình tăng 110% trong giai đoạn 2007-2013, các định chế tăng 40%, các chính phủ tăng 185%.
24 nước đang khủng hoảng nợ
JDC cho biết hiện nay toàn cầu có 24 nước rơi vào khủng hoảng nợ và 14 nước trên bờ vực khủng hoảng nợ. Trước tình hình đó, liệu có thể nhờ các nước giàu cứu các nước đang khủng hoảng? Sự thực là các nước giàu cũng là những nước nặng nợ nhất. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã có mức nợ tăng hơn gấp đôi từ 9.000 tỷ USD năm 2007 lên hơn 18.000 tỷ USD hiện nay, và các nhà phân tích tin rằng Hoa Kỳ sẽ không thể trả hết khoản nợ này.
Tại châu Âu, tình hình cũng không khá hơn. Thành viên các nước Eurozone đang chật vật tìm cách ứng cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ. Điều đáng lo là Eurozone không chỉ có Hy Lạp trong cơn khủng hoảng. Tỷ lệ nợ/GDP ở khu vực này đã tăng mạnh kể từ năm 2012. Thí dụ, tỷ lệ này ở Tây Ban Nha đã tăng từ 69% lên 98%, ở Italia từ 116% lên 132%, ở Pháp từ 85% lên 95%. Trong khi đó, tại Bỉ tỷ lệ này là 106%, Ireland 109% và Bồ Đào Nha 130%.
Khi tất cả quân cờ domino nặng nợ đó bị đổ, hậu quả đối với hệ thống tài chính toàn cầu sẽ khó hình dung nổi. Tây Ban Nha hiện có hơn 1.000 tỷ USD nợ chưa thanh toán bằng trái phiếu; Italia có 2.600 tỷ EUR. Những trái phiếu loại này lại dùng để bảo đảm cho hàng chục ngàn tỷ EUR của các giao dịch phái sinh.
Vì vậy, một khi xảy ra khủng hoảng ở thị trường này có thể kích hoạt một sự sụp đổ hệ thống trên toàn châu Âu. Ngoài ra, tại châu Âu các ngân hàng có tổng đòn bẩy lên đến 26:1, tức 1 đồng vốn, cho vay 26 đồng. Ở mức đòn bẩy này, chỉ cần một sự bốc hơn 4% giá trị tài sản cũng đủ quét sạch tất cả của cải. Con số 4% tương đương với việc xóa nợ cho Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia và Pháp.
Trong khi đó, tình hình ở châu Á cũng không khá hơn. Như đã nói ở trên, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bị đè dưới núi nợ khổng lồ, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán hiện nay và việc kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện có tỷ lệ nợ/GDP lên tới 230%.
Theo Vĩnh Cầm
Sài Gòn Đầu Tư
Nguồn:Sài Gòn Đầu Tư