Tamura cho rằng rủi ro lạm phát đang gia tăng khi các doanh nghiệp tiếp tục chuyển chi phí nguyên liệu và lao động tăng cao vào giá thành. Điều này đòi hỏi BOJ phải nâng lãi suất chính sách lên mức trung lập đối với nền kinh tế.
Ông nhận định lãi suất trung lập của Nhật Bản phải đạt ít nhất 1% và cần đạt mức này vào nửa cuối năm tài chính 2025, khi kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm có khả năng xác nhận xu hướng tăng lương trên diện rộng, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ.
“Nếu lãi suất ngắn hạn duy trì dưới mức trung lập, điều đó sẽ tiếp tục đẩy lạm phát lên cao hơn,” Tamura phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp tại tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản.
Sau phát biểu của Tamura, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng, còn 151,81 yên, khi thị trường tiếp tục đặt cược khả năng BOJ tăng lãi suất sớm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn hai năm cũng tăng lên 0,765%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Thị trường hiện đang ước tính khoảng 50% khả năng BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7/2025.
Là một cựu lãnh đạo ngân hàng thương mại và được xem là thành viên có quan điểm cứng rắn nhất trong hội đồng BOJ, Tamura cho biết kỳ vọng lạm phát của doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản có thể đã đạt 2%.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh BOJ cần điều chỉnh lãi suất một cách thận trọng, không nên đưa ra quyết định dựa trên định kiến cố hữu, vì điều này có thể ảnh hưởng đến người dân Nhật Bản, những người đã quen với mức lãi suất siêu thấp trong thời gian dài.
“Với mục tiêu đưa lãi suất ngắn hạn lên 1% vào nửa sau năm tài chính 2025, tôi cho rằng BOJ cần tăng lãi suất một cách kịp thời và thận trọng, phù hợp với khả năng đạt được mục tiêu lạm phát,” ông nói.
“Ngay cả khi lãi suất chính sách được nâng lên 0,75%, lãi suất thực vẫn sẽ duy trì ở mức âm đáng kể,” Tamura bổ sung, nhấn mạnh rằng vẫn còn “một chặng đường dài” để đạt đến mức lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế.
“Nói cách khác, bây giờ là lúc BOJ nên giảm nhẹ mức độ kích thích tiền tệ, để có thể giảm tốc khi cần mà không phải siết chặt chính sách đột ngột,” Tamura nói.
Dù vậy, Tamura không đưa ra bình luận cụ thể về thời điểm BOJ có thể tiếp tục thắt chặt chính sách.
“Không có quan điểm cố định rằng lãi suất phải được tăng mỗi sáu tháng,” ông Tamura phát biểu trong cuộc họp báo sau đó. Ông cho biết: “Ngân hàng Trung ương sẽ đánh giá cẩn trọng về tình hình kinh tế, giá cả và điều kiện tài chính,” đồng thời nhấn mạnh rằng thời điểm tăng lãi suất có thể được điều chỉnh sớm hơn hoặc muộn hơn tùy theo dữ liệu thực tế.
Tháng 01/2025, BOJ đã nâng lãi suất lên 0,5% – mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – phản ánh niềm tin rằng Nhật Bản đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã bày tỏ sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất nếu mức tăng lương bền vững thúc đẩy tiêu dùng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra mức lãi suất trung lập cụ thể của Nhật Bản.
Phát biểu của Tamura được đưa ra sau hàng loạt dữ liệu gần đây cho thấy lương cơ bản tại Nhật Bản tiếp tục tăng, bao gồm khảo sát hôm thứ Tư (05/02) cho thấy mức tăng ổn định trong tháng 12/2024.
Điều này cũng phản ánh sự thay đổi trong chính sách của BOJ, khi dần rời xa gói kích thích tiền tệ mạnh mẽ được triển khai dưới thời cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda – người tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế tăng trưởng trì trệ.
Trong một báo cáo đánh giá về các chính sách nới lỏng tiền tệ trước đây công bố vào tháng 12/2024, BOJ cho rằng các biện pháp kích thích mạnh tay đã có tác động tích cực lên nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, Tamura lại cho rằng việc đánh giá toàn bộ tác động của các gói kích thích này theo hướng tích cực là một “sự phóng đại.” Ông cũng kêu gọi xem xét kỹ lưỡng khả năng các chính sách này có thể gây ra những hệ lụy trong tương lai, chẳng hạn như đồng yên mất giá quá mức.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters