menu search
Đóng menu
Đóng

Sửa soạn đón mốc xuất nhập khẩu 600 tỷ USD

09:09 30/11/2021

Dự báo vào những ngày đầu tháng 12 tới đây, nước ta sẽ ghi nhận một dấu mốc quan trọng liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu khi lần đầu tiên quy mô kim ngạch cán mốc 600 tỷ USD.

Biểu đồ: T.Bình

Gần 2 tỷ USD/ngày
Theo Tổng cục Hải quan, trong kỳ thống kê kỳ 1 tháng 11/2021 (từ ngày 1 đến ngày 15/11), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,59 tỷ USD, tăng 3% so với nửa cuối tháng 10/2021. Lũy kế tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11 đạt 569,03 tỷ USD, tăng 22,7%, tương ứng tăng 105,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tính bình quân từ đầu năm đến 15/11, mỗi ngày kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 1,8 tỷ USD. Nếu tính riêng 15 ngày đầu tháng 11, kim ngạch đạt xấp xỉ 2 tỷ USD/ngày.

Với quy mô kim ngạch đạt được trong năm 2021 (khoảng 660 tỷ USD), nên bước năm 2022, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, nước ta sẽ đạt dấu mốc 700 tỷ USD, đây là điều hoàn toàn khả thi, bởi, những tháng qua của năm 2021 dù phải đối mặt với khó khăn lớn từ dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn lên đến 22,7%.

Nếu đạt tốc độ tăng trưởng như nhiều năm gần đây, Việt Nam sẽ sớm đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 1.000 tỷ USD (dự báo vào năm 2024 hoặc 2025).
Kết quả xuất nhập khẩu đạt được là rất đáng ghi nhận và là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam và thế giới.
Đến hết 15/11, xuất khẩu của Việt Nam đạt 284,45 tỷ USD, tăng 17,7%, tương ứng tăng 42,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 9,2 tỷ USD, tương ứng tăng 40,9%; sắt thép các loại tăng 5,88 tỷ USD, tương ứng tăng mạnh 134%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,73 tỷ USD, tương ứng tăng 12,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,45 tỷ USD, tương ứng tăng 10%...
Trong 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê, công bố định kỳ có tới 32 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tính đến 15/11. So với cùng kỳ 2020, có thêm 2 nhóm hàng đạt được kim ngạch tỷ USD là sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,004 tỷ USD (cùng kỳ đạt 815,5 triệu USD); sản phẩm từ cao su đạt 1,003 tỷ USD (cùng kỳ đạt 757 triệu USD). Tuy nhiên, có một nhóm hàng bị “rớt” mốc “tỷ đô” là đá quý, kim loại quý và sản phẩm khi chỉ đạt hơn 695 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,6 tỷ USD).
Đáng chú ý, có 7 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép. Trong đó, sắt thép lần đầu đạt được dấu mốc này với kim ngạch 10,27 tỷ USD, tăng tới 136,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, nhập khẩu của cả nước đạt 284,58 tỷ USD, tăng 28,1% (tương ứng tăng 62,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,88 tỷ USD, tương ứng tăng 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,94 tỷ USD, tương ứng tăng 28,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,36 tỷ USD, tương ứng tăng 32,1%, sắt thép các loại tăng 3,04 tỷ USD, tương ứng tăng 43,5%...
Trong các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực, có 6 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tăng 2 nhóm so với cùng kỳ 2020. 2 nhóm mới là chất dẻo nguyên liệu và sắt thép. Trong đó, chất dẻo nguyên liệu đạt 10,07 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái; sắt thép đạt 10,03 tỷ USD, tăng hơn 3 tỷ USD.
Trong khi nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 64,18 tỷ USD, tăng gần 10 tỷ USD. Các nhóm hàng còn lại là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải.
Rút ngắn chu kỳ đạt mốc 100 tỷ USD
Nếu nửa cuối tháng 11, nước ta duy trì được quy mô kim ngạch như 15 ngày đầu tháng, ngay những ngày đầu tháng 12 sẽ ghi nhận kỷ lục mới về xuất nhập khẩu là 600 tỷ USD.
Và nếu đạt mức bình quân 1,8 tỷ USD/ngày như những tháng qua, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sẽ đạt khoảng 660 tỷ USD.
Trở lại với câu chuyện “trăm tỷ USD” trong hoạt động xuất nhập khẩu, lần đầu tiên nước ta đạt được mốc 100 tỷ USD vào năm 2007. Như vậy, qua 14 năm, đến năm 2021, quy mô kim ngạch gấp hơn 6 lần.
Với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng cao nên chu kỳ đạt “trăm tỷ USD” cũng được rút ngắn (xem biểu đồ). Cụ thể, mốc 200 tỷ USD và 300 tỷ USD đạt được sau thời gian 4 năm (vào các năm 2011 và 2015). Nhưng sau đó, thời gian rút xuống còn 2 năm, khi nước ta đạt 400 tỷ USD vào năm 2017, 500 tỷ USD vào năm 2019 và 600 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt, ở các chu kỳ trước, thường phải vào dịp cuối năm mới ghi nhận được kỷ lục mới, nhưng lần này ngay đầu tháng 12 Việt Nam sẽ đạt được.
Phát triển bền vững
Để có sự bứt phá về xuất nhập khẩu, cơ cấu ngành hàng, sự đóng góp của các địa phương, hay đối tác thương mại của Việt Nam cũng có chuyển biến, phát triển đáng kể.
Về cơ cấu hàng hóa, nếu trước đây phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên như dầu thô, than đá, hay các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng hóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp… thì hiện nay, đóng góp lớn nhất đến từ lĩnh vực điện tử (điện thoại, máy vi tính), hay máy móc, thiết bị…
Xét theo yếu tố địa bàn, trước đây xuất nhập khẩu tập trung chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, thì nay, xuất nhập khẩu phủ rộng cả nước và chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương…
Về các đối tác thương mại, hiện Việt Nam có quan hệ giao thương với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có nhiều đối tác lớn với thương mại song phương lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ USD/năm. Có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN ở châu Á, hay Đức, Hà Lan... ở châu Âu; và tất nhiên không thể thiếu nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua.
Từ các yếu tố trên cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phong phú, đa dạng và tạo được sự phát triển bền vững, thể hiện rõ độ mở nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, hội nhập sâu và thể hiện được vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Nguồn:haiquanonline/Thái Bình