menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường tiền tệ thế giới năm 2017: USD giảm mạnh

10:00 30/01/2018

Vinanet - Thị trường tiền tệ đang trong giai đoạn biến động mạnh. Năm 2017 đồng USD giảm giá so với hầu hết tất cả các đồng tiền chủ chốt.
Đô la Mỹ: Đồng USD kết thúc năm 2017 ở mức 92,181 điểm (mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017). Tính chung cả năm, chỉ số này giảm 9,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003 và là năm đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2012. Trong khi đó, đồng Euro tăng mạnh 14% so với đồng bạc xanh, kết thúc năm ở 1,2023 USD; đồng bảng Anh tăng 9,4% lên 1,3521 USD; đồng yen Nhật kết thúc năm ở mức 112,6 JPY/USD.
Đồng bạc xanh đã mất giá trong phần lớn thời gian của năm 2017. Đồng tiền này suy yếu ngay cả khi xuất hiện những yếu tố thường tác động tích cực đến đồng USD như việc thông qua các đợt cắt giảm thuế và bức tranh kinh tế đầy lạc quan.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình nâng lãi suất trong năm 2017 nhưng đồng USD vẫn giảm giá. Lý do một phần bởi các nhà giao dịch tiền tệ chuyển sự chú ý sang các đồng tiền chủ chốt khác – vốn đã trải qua nhiều năm suy yếu so với đồng bạc xanh.
Trong nhiều năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Mỹ được xem là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế toàn cầu với tăng trưởng việc làm mạnh và kinh tế liên tục tăng trưởng mặc dù ở mức thấp. Khi Mỹ còn đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy sự hồi phục kinh tế trên toàn cầu, đồng USD đã nhảy vọt gần 13% trong năm 2014, 9% trong năm 2015 và thêm 3,5% trong năm 2016.
Giờ đây, thời thế đã thay đổi, những khu vực khác cũng bắt đầu tăng trưởng mạnh, kéo theo các đồng tiền của họ bắt đầu hồi phục trở lại, qua đó tác động tiêu cực đến đồng USD sau đà leo dốc kéo dài vài năm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã dần ổn định. Nền kinh tế châu Âu cũng cho thấy các dấu hiệu của sự khởi sắc. Khu vực Mỹ Latin – đặc biệt là Brazil và Argentina – đang hồi phục sau khi chạm đáy trong những năm trước.
Trong vài năm qua, Fed đã nhiều lần nâng lãi suất, trong khi những ngân hàng trung ương khác thì giữ nguyên chính sách hoặc đẩy lãi suất xuống mức âm. Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa các nước đã thúc đẩy đồng USD. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, các ngân hàng trung ương, nhất là Anh và châu Âu, đang cố gắng bắt kịp với Fed bằng cách nâng lãi suất. Giờ thì chính sách tiền tệ ở các nước đang hội tụ về với nhau – một dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng đồng bộ, qua đó cũng tác động tiêu cực đến giá đồng bạc xanh. Trong năm vừa qua, nhà đầu tư đổ xô vào đồng Euro và JPY với hy vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ trong năm 2018.
Tình trạng bất ổn chính trị xuất phát từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tăng trưởng toàn cầu mạnh hơn và sự không chắc chắn về khả năng thực thi đề xuất thuế của Donald Trump cũng góp phần đẩy đồng USD suy yếu. Trên thực tế, ước tính về số tiền mà các công ty có thể đem trở về Mỹ biến động trong phạm vi rất rộng từ 50 - 3,000 tỷ USD.
Đà sụt giảm của đồng USD trong năm 2017 đã gây bất ngờ đối với những người cho rằng đề xuất thuế của Đảng Cộng hòa sẽ giúp đồng bạc xanh hồi phục. Cụ thể hơn, đề xuất thuế sẽ thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển tiền mặt và lợi nhuận về lại Mỹ, qua đó góp phần nhấc bổng đồng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chính kỳ vọng mờ nhạt về tác động của đề xuất thuế tới nền kinh tế Mỹ, cùng với những yếu tố quốc tế đã khiến đồng bạc xanh tiếp tục trượt dốc.
“Mọi người đang dần chấp nhận ý tưởng cho rằng các đợt cắt giảm thuế sẽ nhấc bổng tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng sẽ không làm thay đổi tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Mỹ”, Marc Chandler, Trưởng Bộ phận Chiến lược Tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman, cho hay.
Đề xuất thuế mới sẽ cắt giảm mạnh thuế doanh nghiệp, đồng thời hạ mức thuế áp đặt lên nhiều cá nhân, đặc biệt là những người giàu có ở Mỹ. Tuy nhiên, các CEO cho biết họ không có kế hoạch để tuyển dụng thêm hoặc bạo tay chi tiêu chỉ vì cắt giảm thuế. Và các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng những người giàu có thường có xu hướng tiết kiệm và không chi tiêu khoảng tiền có thêm từ việc cắt giảm thuế.
Các chuyên gia tiền tệ dự báo trong năm 2018, đồng USD có thể sẽ tiếp tục suy yếu ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt. Đề xuất thuế mới có thể tác động tiêu cực đến đồng USD. Nếu tầng lớp trung lưu Mỹ quyết định chi tiêu khoảng tiền mà họ nhận được từ việc cắt giảm thuế thì họ gần như chắc chắn sẽ mua các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài như iPhone. Nếu xu hướng đó làm gia tăng hàng hóa nhập khẩu hơn là xuất khẩu thì đồng USD có thể suy yếu thêm. “Khi bạn nhìn từ quan điểm rộng hơn (tăng trưởng toàn cầu, lãi suất toàn cầu), bạn có thể nhận thấy đồng USD có thể suy yếu thêm”, Ihab Salib, Trưởng Bộ phận Tài sản thu nhập cố định quốc tế tại Federated Investors, cho hay.
Nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc: Đồng NDT tăng giá khoảng 5,8% so với USD trong năm 2017 (tăng mạnh nhất trong vòng gần 9 năm), tỷ giá tham chiếu kết thúc năm ở 6,5 NDT đổi 1 USD. Chưa dừng lại ở đó, đồng NDT vẫn tiếp tục tăng trong những ngày đầu năm 2018, đến giữa tháng 1/2018 đạt mức cao nhất hơn 2 năm, là 6,4574 NDT. Ở thời điểm cuối năm 2016, tỷ giá tham chiếu này là 6,9370 NDT.
Tỷ giá tham chiếu của đồng NDT được tính theo công thức dựa trên tỷ giá đóng cửa của phiên trước và những thay đổi trong rổ tiền tệ. Theo hệ thống tỷ giá thả nổi có kiểm soát, dựa vào thị trường của Trung Quốc, để ổn định đồng nội tệ, đồng NDT có thể tăng giảm trong biên độ 2% so với đồng USD tính trên tỷ giá tham chiếu của mỗi phiên giao dịch. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này mới đây đã phải tăng biên độ giao dịch để đối phó với sức ép từ các thị trường.
Ngày 16/1, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) thông báo sẽ đưa đồng NDT vào dự trự ngoại hối của nước này, nhằm dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối dài hạn của Bundesbank. Động thái này phản ánh vị thế của đồng NDT trên hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời giúp củng cố chiến lược quốc tế hóa đồng nội tệ của Bắc Kinh. Trước đó, từ tháng 7/2017, Bundesbank đã thông báo quyết định đầu tư vào đồng NDT sau khi nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của đồng tiền này. Tuy nhiên, Bundesbank không nêu rõ số tiền đầu tư vào đồng NDT.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2016 chính thức đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn gọi là Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR), bằng chứng cho thấy tiềm năng quốc tế hóa của đồng NDT.
Chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu tài chính tiền tệ Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, ông Lưu Kiện nhận định rằng tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT với USD có thể đứng trước sức ép giảm giá nhẹ, song nhìn chung khá khả quan.
Các nhà phân tích cho rằng đồng tiền Trung Quốc sẽ tiếp tục đà lên giá này khi thích ứng được với môi trường kinh tế, tài chính toàn cầu đầy thách thức, việc mở cửa thị trường vốn của nước này sẽ vẫn tiếp diễn, và trong chiến lược toàn cầu hóa đồng NDT, lựa chọn tốt nhất là duy trì tỷ giá tăng một cách ổn định.
Theo ông Yin Yong, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), đồng NDT có nhiều “dư địa” để cải thiện mức độ sử dụng trong hệ thống quốc tế, một phần do nhu cầu gia tăng đối với các tài sản bằng đồng tiền này. Theo ông, vị thế quốc tế của đồng NDT còn thấp hơn nhiều so với tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Theo ông Yin Yong, đồng NDT chỉ chiếm khoảng 1,8% thanh toán bù trừ quốc tế, 2% giao dịch ngoại hối và hơn 1% dự trữ ngoại tệ của thế giới. Ngược lại, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – cho biết hiện chiếm hơn 15% GDP của thế giới và khoảng 11% thương mại quốc tế. Nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, ông Yin Yong tin rằng hiện có nhu cầu gia tăng đối với các tài sản được định giá bằng đồng NDT trên các thị trường tài chính và kinh tế thế giới.
Ông Yin Yong cho rằng Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc mang lại một cơ hội lớn cho việc quốc tế hóa đồng NDT. Tại 55 quốc gia có vị trí địa lý dọc theo Sáng kiến "Vành đai và Con đường", hoạt động thanh toán bằng NDT chỉ mới chiếm chưa tới 5% thương mại toàn cầu.
Tiền tệ Đông Nam Á
Đồng baht Thái Lan (THB) đã tăng giá gần 10% so với USD trong năm 2017 và có thể sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong năm 2018.

Thái Lan là một trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng dự trữ ngoại hối cao nhất trong số các thị trường mới nổi ở châu Á trong năm ngoái, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ở các nước này đang mua vào đồng USD để kiềm chế đà tăng giá đồng nội tệ.

Theo báo cáo, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã vượt qua ngưỡng cản then chốt về mức độ có thể can thiệp để hạn chế đà tăng giá của đồng baht. Thặng dư thương mại với Mỹ cao và mua ròng ngoại tệ lớn có thể là những căn cứ để Mỹ đưa một nước vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ hiện giữ nguyên 3 tiêu chí chính để xác định việc một quốc gia được xem là có hành vi thao túng tiền tệ được chính quyền Obama đưa ra vào năm 2016: thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 20 tỷ USD trở lên; thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu ít nhất là 3% GDP; và liên tục mua ngoại tệ bằng 2% GDP trong 12 tháng. Tổng thống Trump đã luôn than phiền về các nước có thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ và dọa trừng phát bất cứ nước nào có hành vi thao túng tiền tệ nhằm tạo ra thặng dư thương mại với Mỹ.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Thái Lan cho thấy tổng thặng dư thương mại của nước này với Mỹ vào cuối tháng 10/2017 là 16,7 tỷ USD, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai đã vượt quá 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính tới tháng 9/2017. Quốc gia này cũng đã vượt qua ngưỡng can thiệp 2% mua vào ngoại tệ và là một trong 16 quốc gia bị đưa vào danh sách có thặng dư thương mại cao với Mỹ.
Trong báo cáo vừa công bố, Tập đoàn tài chính Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ nhận định Thái Lan có thể sẽ phải thả nổi đồng nội tệ hơn nữa trong năm 2018 để tránh bị Mỹ cáo buộc rằng nước này đang “thao túng tiền tệ” nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Chính phủ Thái Lan thời gian qua cũng khuyến khích công dân của mình đầu tư ra nước ngoài để giảm bớt áp lực tăng giá cho đồng baht. Vào tháng 6/2017, BOT đã nới lỏng các quy định về ngoại hối, giúp cho công dân Thái Lan có thể tăng mua chứng khoán ở nước ngoài. Các ngân hàng Thái Lan cũng tăng cho những người không phải là công dân Thái Lan vay đồng Bath để đầu tư ở Thái và khu vực sông Mekong. Mục đích là làm tăng cung đồng baht trên thị trường và làm cho đồng tiền này yếu đi. Đó một phần là lý do vì sao mà thời gian qua các công ty Thái Lan đổ xô đi mua tài sản ở nước ngoài, trong đó có thương vụ lịch sử mua Sabeco vừa qua với giá 4,8 tỷ USD. Đây là một động thái về lý thuyết sẽ làm cho USD chảy ra khỏi nền kinh tế Thái Lan. Nghĩa là cung đồng USD ở Thái Lan sẽ co hẹp lại, công với việc cung baht tăng lên thì có thể khiến đồng baht yếu đi so với USD.
Song nhìn chung, nếu Ngân hàng Trung ương Thái Lan tìm cách làm giảm mối lo ngại của Mỹ để tránh các biện pháp trả đũa của Mỹ trong năm 2018, điều này có thể sẽ dẫn đến việc đồng Bath sẽ còn tăng giá hơn nữa, khiến khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan giảm mạnh.
Đồng peso (Philippines) năm 2017 đã có những biến động mạnh rất đáng chú ý. Trái với Baht Thái, PHP đã giảm xuống thấp nhất trong 11 năm ở mức 51,85 đồng đổi 1 USD trong tháng 10/2017 trước khi đảo chiều tăng 3,1% từ đó tới thời điểm cuối năm, chốt ở 50,250 PHP, và tính chung cả năm vẫn giảm 1,1%.

Các nhà hoạch định chính sách Philippine đã không vội vàng tăng lãi suất kể cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản trong tháng này, ghi nhận đợt tăng thứ ba trong năm 2017. Các quan chức ngân hàng trung ương đã bảo vệ quan điểm của họ bằng cách nói rằng tăng trưởng kinh tế hàng năm vượt quá 6% sẽ không gây ra sự nóng lên quá mức.

Nếu nhìn vào việc định giá peso, nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Một khi các loại tiền tệ châu Á nói chung tăng giá vào năm 2018, nỗi lo của ngân hàng trung ương Philippines về sự tăng giá của đồng PHP so với USD sẽ giảm đi. Nguyên nhân là vì châu Á chiếm khoảng 3/4 xuất khẩu của Philippines.
Kết quả khảo sát do Bloomberg tiến hành cho thấy, peso sẽ giảm xuống còn 51 đồng đổi 1 USD vào cuối năm 2018, mức giảm tương ứng 1,5% so với giá trị hiện tại. Dự báo bi quan nhất là 56 đồng peso đổi 1 USD. Các chuyên gia phân tích chiến lược và nhà quản lý quỹ cho biết, đồng tiền sẽ bị đánh giá thấp khi thâm hụt tài khoản vãng lai nới rộng, trong khi ngân hàng trung ương Philippines vẫn chậm chạp trong việc nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục.
“Đồng peso sẽ tiếp tục nhạy cảm. Tình hình thanh toán quốc tế có thể sẽ tiếp tục làm suy yếu nhiều hoạt động kinh thế thúc đẩy nhu cầu về tài sản cố định và hàng hóa tiêu dùng”, Jonathan Ravelas, trưởng phòng chiến lược thị trường tại BDO Unibank tại Manila nhận định. Ông cũng dự báo đồng peso sẽ ở mức 52 đồng đổi 1 USD vào cuối năm 2018.
Đồng Việt Nam giảm nhẹ so với USD trong năm 2017. Phiên cuối năm, USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức 22.703 VND. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) báo giá USD bán ra yết trực tuyến ở 22,735 VND, mức thấp sau một thời gian dài chỉ nằm trong khoảng 22,545 – 22,755 VND; chênh lệch giá mua vào - bán ra ổn định với 70 VND. Như vậy, theo số liệu cập nhật gần cuối năm 2017 của Tổng cục Thống kê, chỉ số USD so với VND tăng 1,4% so với năm 2016.

Nguồn:Vinanet