menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường trong nước: Bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trong dịch bệnh

09:59 13/08/2020

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ. 
 
Song với quy mô gần 100 triệu dân, thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn, đưa kinh tế tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 12/8, tại Hà Nội.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của hàng Việt
Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 (Đề án) nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua các hoạt động phát triển thị trường trong nước thuộc Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị hưởng ứng Cuộc vận động nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sau 6 năm triểnkhai, Đề án đã hỗ trợ thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục; hỗ trợ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Chia sẻ kỹ hơn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng/ngành nghề và các địa phương triển khai gần 400 dự án, nhiệm vụ với kinh phí 75 tỷ đồng thực hiện Đề án. Triển khai Đề án từ ngân sách trung ương, giai đoạn 2014-2020, đã có gần 3.000 tin, bài, chương trình truyền hình thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” trên các báo in, báo hình, báo hình, báo điện tử, hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước; tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường với các đối tượng ưu tiên nhân viên làm việc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ cá thể...
Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.
Đặc biệt từ đầu năm 2020, khi Đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức.
“Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ thêm, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, rất nhiều địa phương trên cả nước và các hệ thống phân phối đã triển khai loạt chương trình thiết thực hiệu quả nhằm hưởng ứng Cuộc vận động. Các hoạt động này đã giúp hỗ trợ nhiều tỉnh thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp mở rộng thị trường.
“Riêng Hà Nội, trong nửa đầu năm 2020, thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp là trụ cột nền kinh tế trong mùa dịch. Những tháng đầu năm khi dịch xảy ra, Hà Nội tăng trưởng âm, nhưng khi Bộ Công Thươn ban hành quyết định triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Hà Nội đã tích cực vào cuộc, giúp GRDP thành phố 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, cao hơn nhiều bình quân chung cả nước. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố cũng tăng 1,1%” - bà Lan chia sẻ.
Hàng hóa Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó Giám đốc Saigon Coop Hà Nội chia sẻ thêm, để cung ứng hàng hóa đến tận tay người dân trong mùa dịch, Saigon Coop đã xây dựng các kênh phân phối có diện tích nhỏ, len lỏi đến tận các khu dân cư để phục vụ tận tay người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu trong dịch bệnh. Bên cạnh đó, kết nối chặt chẽ với nhà sản xuất trong nước để cung ứng hàng hóa đến người dân.
“Hệ thống Saigon Coop đã kết nối với để cung ứng 12 triệu khẩu trang đến người tiêu dùng, đồng thời cung cấp hàng triệu chai rửa tay kháng khuẩn ra thị trường với giá bình ổn. Saigon Coop cũng thực hiện chương trình khuyến mãi Tự hào hàng Việt để đảm bảo giá tốt nhất cho người tiêu dùng” – bà Dung cho hay.
Nhanh chóng phục hồi phát triển công nghiệp, thương mại
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, những kết quả của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động chính là điều kiện thuận lợi để Bộ Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới với mục tiêu “Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo” đúng với tinh thần được nêu tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của Đại dịch COVID-19 phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
Dân số đông, sức mua lớn, thị trường trong nước là bệ đỡ vững chắc cho hàng Việt
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong khi nhiều chỉ số kinh tế suy giảm hoặc tăng chững lại thì bán lẻ hàng hóa trong nước 7 tháng qua vẫn tăng. Đặc biệt, với sự xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội… vừa qua đã cho thấy sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối trong nước, khi không còn hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao Bộ Công Thương qua 6 năm thực hiện Đề án đã góp phần hình thành hệ thống phân phối trong nước đủ mạnh, áp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng đánh giá cao Bộ Công Thương qua 6 năm thực hiện Đề án đã tổ chức thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động, doanh nghiệp Việt Nam từ thành thị, vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại. Để đến nay chúng ta có một hệ thống phân phối đủ mạnh, có mặt ở khắp mọi nơi, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp.
“Với hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt đã góp phần đảm bảo nhu cầu, ngày càng phục vụ tốt cho người tiêu dùng Việt Nam,” bà Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.
Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao như: CPTPP và EVFTA, sẽ mở ra nhiều cơ hội về thị trường và bạn hàng, nhưng đồng thời cũng là áp lực cạnh tranh gay gắt.
Bà Trần Thị Phương Lan đề xuất, Việt Nam đã ký nhiều FTA, đặc biệt là EVFTA. Cùng với cơ hội xuất khẩu, các sản phẩm hàng Việt phải đối mặt, cạnh tranh với nhiều sản phẩm của khối các nước này nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, Nhà nước phải đưa ra cơ chế như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường sao cho phù hợp và không vi phạm các FTA đã ký kết.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các FTA đã ký là tiền đề quan trọng để giúp doanh nghiệp thích ứng trước "thế giới vạn biến", cũng như nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Nguồn:Congthuong.vn

Link gốc