Từ nhiều năm nay, Senegal luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp. Những cuộc cải cách cơ cấu đã giúp nước này có sự thay đổi lớn về môi trường kinh tế, nhất là nhờ tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Senegal cũng đã phát hiện thêm các mỏ khí gần biên giới với Mauritania và phía Nam thủ đô Dakar, mang lại hi vọng có thể thúc đẩy và đa dạng hóa nền kinh tế. Theo Báo cáo về triển vọng kinh tế Senegal năm 2017, Tổ chức OECD dự đoán năm 2017, GDP của Senegal tăng trưởng 6,8% và năm 2018 là 7%. GDP bình quân đầu người là 3,7% năm 2017. Tỷ lệ lạm phát là 1,9%.
Chỉ số Ibrahim, chỉ số về điều hành tại Châu Phi xếp Senegal ở vị trí thứ 10 trên 54 quốc gia và là một trong 03 nước có sự cải thiện về mặt này năm 2016.
Ngành công nghiệp của Senegal chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm giữ, chiếm con số 92,5%, tuy nhiên các doanh nghiệp lớn (chiếm 7,5 % về số lượng) lại đóng góp tới 90 % giá trị gia tăng.
Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục đóng góp tới 60% GDP và đang phát triển mạnh nhờ thu hút đầu tư vào các dịch vụ viễn thông và internet. Nông nghiệp đóng góp 15,8% GDP và công nghiệp 24,2%.
Những tháng đầu năm 2017, Senegal tiếp tục thực hiện “Kế hoạch Senegal nổi lên” do Tổng thống đương nhiệm Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa nước này trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035. Kế hoạch dựa trên ba cột trụ chính là chuyển đổi về cơ cấu các cơ sở kinh tế, phát huy nguồn lực con người và hướng tới việc Chính phủ điều hành tốt hơn, xây dựng một Nhà nước pháp quyền.
Về ngoại thương, tính đến cuối tháng 4/2017, kim ngạch xuất khẩu của Senegal đạt khoảng 900 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,4%.Thâm hụt thương mại của Senegal vào khoảng 800 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có sản phẩm dầu lửa, dầu thô, hải sản, hóa chất, vô cơ, muối, lưu huỳnh, xe hơi, phốt phát, hải sản, bông, điều. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là lương thực thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, dầu lửa.
Giống như các nước Hồi giáo khác, Senegal cũng chịu những tác động của tháng Ramadan (từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6). Trong khi hoạt động sản xuất trong nước bị giảm sút thì việc tiêu thụ và nhập khẩu hàng thực phẩm lại tăng, đặc biệt là chà là, đường, bột mì, bánh mì.
Theo Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal chỉ đạt 16,2 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, hạt tiêu, máy vi tính, sản phẩm dệt may.
Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri (KIêm nhiệm Ma-li, Xê-nê-gan, Xa-ra-uy, Ni-giê, Găm-bi-a)
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương