USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, kết thúc tháng tăng mạnh nhất kể từ 2015
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 (29/4), chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ –tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm; tính chung cả tháng tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm.
DXY sáng ngày 29/4 đạt 103,93, mức cao nhất kể từ tháng 12/2002, kết thúc phiên ở mức 103,28. Tính chung cả tháng 4, DXY tăng 5,1%, nhiều nhất kể từ tháng 1/2015.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên này giảm 2,4% xuống 2,84% trong phiên này, sau khi đạt mức rất cao, là 2,981% vào ngày 20/4, kéo dài chuỗi tăng lên 5 tháng tăng liên tiếp.
Chiến lược gia tiền tệ của ngân hàng UBS ở New York, Vassili Serebriakov, cho biết: “Nhìn chung chúng tôi đã thấy đồng USD tăng giá so với hầu hết các tài sản khác”.
Theo ông Serebriakov: “Xu hướng chung của thị trường là USD tăng và các tài sản giảm, liên quan đến những lo ngại về chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu và điều đó giúp đồng USD vượt lên khỏi những tài sản rủi ro. Bên cạnh đó còn có một số xu hướng mang phong cách riêng như tỷ giá USD/JPY.”
Dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tháng 3 tăng mạnh hơn dự kiến do nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh, trong khi lạm phát hàng tháng tăng nhiều nhất kể từ năm 2005.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư (4/5) để giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao.
Các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất cho vay lên 2,86% vào cuối năm 2022, từ mức 0,33% hiện nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng các thị trường đều đã xác định việc Fed sẽ tăng mạnh lãi suất, có nghĩa là thị trường sẽ không bất ngờ khi lãi suất thực sự được điều chỉnh tăng. Điều đó có thể làm giảm lợi suất trái phiếu kho bạc làm chậm lại đà tăng của đồng USD trong tương lai.
Nhà kinh tế cấp cao của Mizuho, Colin Asher, cho biết: “Có lẽ đồng USD đạt đạnh ‘đỉnh’”, và lưu ý rằng: “Các đợt tăng lãi suất tích cực của Fed đã được dự kiến và có một số lo ngại rằng liệu Fed có thực sự làm tốt như những gì thị trường đang kỳ vọng”.
Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 150 điểm cơ bản trong ba cuộc họp tới, vượt xa các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.
Thị trường gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/4) đã đóng cửa thêm nhiều cơ sở kinh doanh và khu dân cư, với việc các nhà chức trách tăng cường truy vết để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19, trong khi thành phố Thượng Hải tiếp tục bị phong tỏa kéo dài một cách bất bình thường – đã khoảng một tháng.
Góp phần đẩy DXY tăng mạnh là việc USD trong phiên 29/4 tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm so với yen Nhật trong bối cảnh tiền tệ Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi chính sách ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trái ngược hẳn với chính sách ‘diều hâu của ngân hàng trung ương Mỹ.
Đồng yên Nhật kết thúc phiên này ở mức 130,15 JPY/USD, sau khi đạt mức 131,24 JPY trong phiên liền trước (28/4), thấp nhất kể từ tháng 4/2002. Đồng USD đã tăng 7% so với đồng tiền Nhật Bản trong tháng này và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.
USD cũng đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm so với euro – đồng tiền vốn đã giảm giá mạnh kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine – gây lo ngại cho các nhà đầu về an ninh năng lượng, lạm phát và tăng trưởng của châu Âu.
Đồng euro kết thúc phiên ở mức là 1,0523 USD, sau khi giảm xuống 1,0470 USD trong phiên liền trước, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Đồng tiền này đã giảm 4,90% trong tháng này, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 1/2015.
Chứng khoán thế giới tăng trong phiên 29/4, nhưng tính chung cả tháng đã giảm 5,8%, mức giảm hiều nhất trong vòng 2 năm do USD tăng mạnh.
Đồng bảng Anh kết thúc phiên 29/4 tăng lên 1,2537 USD, sau khi giảm xuống 1,2410 USD ở phiên liền trước - mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Tính chung cả tháng 4, bảng Anh giảm 4,5%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 10 năm 2016.
Đồng rouble Nga trong phiên 29/4 tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm so với euro sau khi Nga cắt giảm lãi suất 300 điểm cơ bản xuống còn 14%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Alexei Zabotkin, cho biết Nga sẽ dần dần loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn khi rủi ro đối với sự ổn định tài chính giảm dần.
Rouble Nga kết thúc phiên vừa qua tăng 1,2% lên 74,47 RUB/EUR, sau khi có lúc chạm 73,50 RUB, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. So với USD, rouble cũng tăng 1,9% lên 70,74 RUB/USD, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong sáu tháng, là 70,3075 RUB. Trên thị trường liên ngân hàng, đồng rouble chạm mức cao 67,7750.
Lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế Nga thông qua việc tiền cho vay rẻ hơn nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát và khiến đồng rúp dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc biến động mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, xuống mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm, trước khi hồi phục chút ít vào lúc đóng phiên, nhưng tính chung cả tháng 4 vẫn giảm tồi tệ nhất trong vòng gần 2 năm do tăng trưởng của nền kinh tế nước này gặp rủi ro lớn bởi đợt tái bùng phát dịch Covid-19.
Đồng nhân dân tệ trải qua tháng mất giá kỷ lục khi kinh tế Trung Quốc ngấm tác động từ các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, cùng với đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đẩy giới đầu tư toàn cầu bán mạnh cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc.
Các nhà đầu tư trên toàn cầu đồng loạt hạ mức dự báo về đồng nhân dân tệ do tâm lý bi quan sau khi Trung Quốc phong tỏa kéo dài ở nhiều thành phố lớn để ngăn chặn sự lây lan của làn sóng virus biến thể Omicron, trong bối cảnh kỳ vọng việc Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất vào đầu tháng 5.
Phiên 29/4, trước khi mở cửa thị trường Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm, là 6,6177 CNY, giảm 549 pip hay 0,83% so với mức 6,5628 của phiên liền trước.
Tỷ lệ lãi suất tham chiếu của PBOC tuần qua hầu hết phù hợp với dự đoán thị trường, và bất kỳ sự khác biệt lớn nào giữa dự báo của họ và mức tỷ giá tham chiếu mà PBOC ấn định đều được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để tìm manh mối về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách ngoại hối.
Trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ (CNY) buổi sáng phiên 29/4 giảm xuống mức 6,6520, mức thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 11 năm 2020, sau đó CNY đảo chiều hồi phục vào cuối phiên, kết thúc phiên ở mức 6,399 CNY.
Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản cho biết Trung Quốc đưa ra cam kết đẩy mạnh các biện pháp nhằm hỗ trợ ổn định kinh tế trong nước, hối thúc bộ, ngành, các cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm 2022. Nhà chức trách Trung Quốc cũng tuyên bố tăng hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó, sử dụng mọi hình thức, công cụ về tiền tệ.
Tuyên bố này ngay lập tức giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 29/4, với chỉ số CSI 300 chốt phiên tăng 2,43%. Tuy nhiên, tác động lan tỏa tới thị trường tiền tệ là không nhiều.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng thuộc Pinpoint Asset Management, cho biết: “Thông điệp quan trọng nhất (từ Chính phủ Trung Quốc) là thay đổi ưu tiên chính sách”. Ông cho biết thêm: "Trong vài tuần qua, ưu tiên hàng đầu (của Trung Quốc) dường như là ngăn chặn các đợt bùng phát virus biến thể Omicron. Bây giờ, mục tiêu là cân bằng giữa các đợt bùng phát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế."
Các thông điệp chính thức từ Chính phủ nước này đã mang lại một số ‘cứu trợ’ cho thị trường tài chính, sau khi nhiều nhà đầu tư đặt ra nghi ngờ về việc Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay hay không, khi làn sóng phong tỏa chống COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/4) đã đóng cửa thêm các phòng tập thể dục, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và các khu chung, với việc các nhà chức trách tăng cường truy vết để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID, trong thành phố Thượng Hải tiếp vẫn tiếp tục đợt phong tỏa kéo dài đã hơn một tháng.
Tính chung trong tháng 4, CNY giảm 4,39%. Mức giảm giá này lớn hơn đợt PBOC có động thái phá giá đồng nội tệ vào năm 2015, gây ra cơn hoảng lợn trên các thị trường toàn cầu, và cũng lớn hơn đợt mất giá trong năm 2018 sau căng thẳng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Trên thị trường quốc tế, đồng nhân dân tệ (CNH) phiên 29/4 được giao dịch ở mức 6,61 CNH/USD. Tính chung trong tháng 4, đồng CNH giảm 3,75%, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 8 năm 2019, khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng.
Xu hướng giảm giá của nhân dân tệ là do kinh tế nước này đang gặp thách thức từ diễn biến dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Kế đến, giới đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, khi FED tăng lãi suất, tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng chính quyền có thể sớm can thiệp vào bất cứ lúc nào. Một số nhà giao dịch cho biết họ đã nhận được ngày càng nhiều câu hỏi từ các khách hàng doanh nghiệp về việc thanh lý lượng USD.
Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Chúng tôi thừa nhận rằng sự sụt giảm mạnh đối với CFETS (chỉ số đồng nhân dân tệ) khó có thể xảy ra nếu cán cân thương mại giảm mạnh hoặc thâm hụt dịch vụ gia tăng”, “Nhưng với việc đồng USD tăng giá trên diện rộng, tỷ giá CNH/USD có thể đẩy về vùng 6,80-6,85 CNH."
Chỉ số CFETS – so sánh nhân dân tệ với rổ các đồng tiền đối tác thương mại chủ chốt – hiện đứng ở mức 103,24, tăng 0,76% từ đầu năm đến nay. Con số đó so với mức giảm 3,5% của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ tính đến thời điểm hiện tại, với hầu hết sự sụt giảm diễn ra trong hai tuần qua.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)