menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc nâng tỷ giá tham chiếu để ngăn nhân dân tệ giảm giá mạnh

12:48 28/03/2024

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm nay (28/3) ấn định biên độ tỷ giá nhân dân tệ lớn nhất trong vòng 5 tháng (so với dự đoán của Reuters) trong nỗ lực tăng cường ngăn chặn sự sụt giảm giá trị đồng tiền này.
 
Trước khi thị trường mở cửa ngày 28/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã ấn định tỷ giá CNY ở mức 7,0948 mỗi đô la Mỹ, trong đó đồng nhân dân tệ được phép giao dịch trong biên độ 2%.
Tỷ giá đó cao hơn 1,311 pip so với ước tính của Reuters (là 7,2259 CNY), khoảng cách rộng nhất kể từ tháng 11 năm 2023.
Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng vào thứ Sáu tuần trước (22/3) và PBOC đã liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu cao hơn dự kiến để hỗ trợ đồng tiền.
Alex Loo, chiến lược gia vĩ mô của TD Securities, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng PBOC sẽ đề phòng đồng CNY suy yếu hơn nữa trong thời điểm hiện tại và xoa dịu mọi đợt tăng vọt của CNY/CNH sau khi chứng kiến phản ứng của thị trường vào thứ Sáu tuần trước”.
Hôm 22/3, CNY đã giảm xuống 7,23 CNY/USD, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Sau đó, PBOC đã tiến hành can thiệp, nhưng đồng tiền này đã trải qua một phiên giảm giá mạnh nhất trong gần 3 ttháng. Tính chung trong tuần qua, CNY đã giảm giá gần 1% do thị trường đặt cược rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế. Một quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương gần đây cũng cho biết rằng PBOC có khả năng cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, cùng với các công cụ chính sách khác trong kho “vũ khí chính sách tiền tệ” của họ. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong những ngày tới để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Gần một tuần sau đó, thứ Năm (28/3), CNY đã hồi phục lên khoảng 7,25 CNY/USD trong bối cảnh có thông tin cho rằng các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã bán USD ra để hỗ trợ nội tệ. PBoC trong những phiên gần đây cũng ấn định tỷ giá tham chiếu trung bình cao hơn dự kiến, một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc không hài lòng với sự yếu kém của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, các nhà phân tích tiền tệ cũng chưa thể dự đoán CNY sẽ hồi phục mạnh mẽ thêm nữa.
Khác với trước đây, khi CNY giảm đến ngưỡng quan trọng, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiến hành can thiệp. Lần này, thị trường cho rằng PBoC có thể sẽ ưu tiên mục tiêu duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu.
Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đang trong xu hướng giảm giá do thị trường gia tăng kỳ vọng PBOC sẽ nới lỏng tiền tệ, sau khi một quan chức PBOC hôm 21/3 ra tín hiệu vẫn còn dư địa giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). CNY đã giảm khoảng 2% so với USD trong năm nay và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhân dân tệ chịu nhiều áp lực
CNY chịu nhiều áp lực giảm giá, trong đó có việc dòng vốn ra khỏi tài sản Trung Quốc gia tăng
Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc dường như đã phục hồi vào đầu năm nay, nhưng lĩnh vực sản xuất đang gặp khó khăn và đơn hàng xuất khẩu yếu cho thấy lĩnh vực này cần được hỗ trợ nhiều hơn. Đồng nhân dân tệ yếu sẽ giúp đẩy tăng thu nhập xuất khẩu.
Các nhà phân tích của Oxford Economics dự đoán sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và PBOC sẽ khiến đồng nhân dân tệ yếu đi trong nửa đầu năm 2024, nhưng viết rằng "bất kỳ sự sụt giá nào sắp tới có thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ" và dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ không giảm vượt quá 7,34, mức chạm tới lần gần đây nhất là tháng 9/2023.
Carlos Casanova - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ) - cho rằng việc USD mạnh lên, và yênn cùng nhiều tiền khác mất giá khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm, đã gây sức ép lên nhân dân tệ.
Mặc dù tốc độ giảm 2% từ đầu năm đến nay của CNY ít hơn so với đồng yên Nhật (yên giảm 7% so với USD từ đầu năm đến nay), nhưng CNY đã trở nên kém cạnh tranh hơn do đồng yên cũng như so với tiền tệ của các nước láng giềng khác như Hàn Quốc, Thái Lan….PBOC dường như cũng đã nới lỏng sự kiểm soát của mình đối với đồng nhân dân tệ, khiến CNY rơi xuống dưới mức 7,2 CNY/USD – mức mà trước đây họ đã kiên quyết bảo vệ không để CNY giảm thấp hơn ngưỡng đó. Các nhà phân tích lo ngại nếu Trung Quốc sẵn sàng để đồng nhân dân tệ suy yếu thì sẽ có nguy cơ làm tăng sự biến động và lan sang thị trường ngoại hối trong khu vực và trên toàn cầu.
Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho biết việc tuần qua PBOC bảo vệ đồng nhân dân tệ diễn ra cùng thời điểm Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) từ bỏ lãi suất âm và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất là "khá ngẫu nhiên". Mặc dù sự thay đổi chính sách của BOJ vào tuần trước là rất quan trọng nhưng lợi suất trái phiếu Nhật Bản nhìn chung vẫn không khả quan và trớ trêu thay đồng yên lại còn suy yếu hơn nữa. Chỉ riêng trong năm nay, yên đã giảm 7% so với đồng đô la và xuống mức thấp nhất trong 30 năm so với đồng nhân dân tệ.
Các nhà phân tích Ray Attrill và Rodrigo Catril của NAB nhận định: “Những lo ngại từ phía Trung Quốc về nguy cơ mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu so với Nhật Bản cũng đã thúc đẩy việc PBOC can thiệp vào thị trường tiền tệ cuối tuần qua”.
Chỉ số CNY Index của đồng nhân dân tệ (Chỉ số CNY-Index, hay còn được gọi là Chỉ số đồng CNY theo tỷ trọng thương mại - yuan's trade-weighted index -là chỉ số tính giá trị CNY so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Trung Quốc) đã tăng 2% trong năm nay do tiền tệ của các đối tác thương mại của Trung Quốc suy yếu, làm sói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa và dịch vụ nước này, đồng thời cản trở sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc. CNY-Index hiện ở mức 99,30, cao hơn nhiều so với khoảng 92-98 mà các nhà phân tích cho rằng PBOC mong muốn.
Các chiến lược gia Rohit Arora và Teck Quan Koh của UBS cũng cho rằng có thể có sự thay đổi những ưu tiên chính sách của Bắc Kinh, tương tự như sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ trong nửa cuối năm 2022, khi CNY giảm dần gần 9% xuống mức 7,328. “Nói cách khác, chúng tôi không cho rằng các nhà chức trách Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ dao động hoàn toàn bởi tác động của thị trường mà sẽ tiếp tục quá trình điều chỉnh có quản lý và có trật tự”. Họ cho rằng CNY sẽ giảm dần về mức 7,4 CNY/USD, lý do bởi dòng vốn chảy ra đều đặn từ các thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như từ các tài sản khác có thể buộc PBOC phải giảm bớt sự biến động trên thị trường tiền tệ, như thường lệ là thông qua các ngân hàng nhà nước.
Còn theo RBC Capital Markets, đồng Nhân dân tệ có thể vẫn giảm về mức năm ngoái nhưng sẽ chậm hơn. Alvin T. Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital Markets, cho biết CNY vẫn có thể quay trở lại mức 7.30 trong tương lai, “nhưng điều này không thể xảy ra chỉ trong vài ngày trong bối cảnh biến động cao. Giữ tỷ giá ổn định vẫn là nền tảng của chính sách PBOC.”
Một áp lực nữa đối với nhân dân tệ là giao dịch carry trade ngày càng tăng (các nhà đầu tư vay loại tiền có lãi suất thấp và chuyển sang gửi bằng laoị tiền có lãi suất cao hơn).
Lợi nhuận từ các giao dịch chênh lệch lãi suất như vậy thường phát sinh từ việc vay tiền yên với lãi suất thấp hơn rồi chuyển sang nhân dân tệ có lãi suất cao hơn để kiếm được khoản lãi 5%/năm một cách dễ dàng chỉ với thao tác hoán đổi trong kỳ hạn 3 tháng. Tuy nhiên, các nhà giao dịch dự đoán đồng yên sẽ biến động mạnh hơn dưới cơ chế chính sách mới của BOJ, trong khi đồng nhân dân tệ theo truyền thống vẫn được bảo vệ.
Rong Ren Goh, nhà quản lý danh mục đầu tư của Eastspring Investments, cho biết: “Theo tôi, điều duy nhất ngăn đồng nhân dân tệ suy yếu đáng kể là hướng dẫn chính sách tích cực từ PBOC”. Chính ông đã sử dụng đồng nhân dân tệ ở ngoài Trung Quốc cho những giao dịch carry-trade kể từ đầu năm, bán đồng tiền này và đầu tư vào các tài sản có lãi suất cao hơn như trái phiếu rupee Ấn Độ. Ông nói: “Nếu bạn bán CNY và mua USD hồi đầu năm thì bạn đã được lãi hơn 400 pips”.

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)