menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam-New Zealand thực hiện mục tiêu đạt 1,7 tỷ USD

10:13 16/07/2020

Với quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-New Zealand đã có bước phát triển mạnh mẽ và ổn định trong thời gian qua. Hai nước đang hướng đến hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 1,7 tỷ USD trong năm 2020.
 
Theo Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand; trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 15 vào thị trường này và là nước nhập khẩu lớn thứ 18 vào New Zealand.
Thống kê cho thấy chỉ riêng từ khi hai nước trở thành đối tác toàn diện, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 3 lần trong 10 năm từ 320 triệu USD (năm 2009) lên hơn 1 tỷ USD (năm 2018) và dự kiến đạt mức 1,7 tỷ USD trong năm nay. Hơn nữa, hai nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có nhiều lợi thế, bổ sung lẫn nhau. Bởi New Zealand có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như may mặc, da giày, gỗ, nông sản nhiệt đới, thủy sản...
Ngoài ra, Việt Nam lại cần nhập khẩu từ New Zealand sữa và sản phẩm sữa, rượu vang, thịt cừu, trái cây, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Đáng lưu ý, tới nay New Zealand đã cấp phép nhập khẩu cho 3 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là xoài, thanh long, chôm chôm và Việt Nam đang đề nghị New Zealand tiếp tục cấp phép nhập khẩu cho quả chanh tươi và chanh leo.
Trước đó, để quảng bá cho thương hiệu gạo Việt tại New Zealand, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand đã phối hợp với Công ty Integrity Plus Limited tổ chức gian hàng triển lãm tại Hội chợ Go Green Expo 2018, Thủ đô Wellington, New Zealand nhằm quảng bá các sản phẩm xanh, sạch của Việt Nam tới người tiêu dùng New Zealand.
Ngược lại, Việt Nam cũng đã mở cửa cho doanh nghiệp New Zealand đưa vào thị trường khoai tây củ thương phẩm, thịt bò đông lạnh, quả kiwi, táo ENVY để thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.
New Zealand hoan nghênh việc Hiệp định CPTPP đã được phê chuẩn giữa Việt Nam và các đối tác bởi đây là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện các quy tắc thương mại, góp phần thúc đẩy đầu tư và kinh doanh giữa hai nước.
Hiện tại, cả hai quốc gia đang đạt được những tiến bộ tốt khi vận dụng tối đa Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, để khai thác tốt hiệu quả các cơ hội, doanh nghiệp hai nước cần nâng cao hơn nữa nhận thức về Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, New Zealand cũng chủ động hỗ trợ các cơ quan Việt Nam đào tạo và tư vấn trong các lĩnh vực như mua sắm công và hải quan.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 lên 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt hơn 800 triệu USD, 2015 đạt hơn 700 triệu USD, năm 2016 đạt xấp xỉ 707 triệu USD, năm 2017 đạt hơn 900 triệu USD và đạt gần 1 tỷ USD năm 2018.
Tính riêng trong năm 2019, tổng kim ngạch thương mại hàng hoá và dịch vụ hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng 12%, đạt mức hơn 1,1 tỷ USD. Hai bên đang thúc đẩy các biện pháp xúc tiến thương mại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 1,7 tỷ USD trong năm 2020.
Nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện. New Zealand hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...
Về đầu tư, tính đến tháng 2/2020, New Zealand có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 209,44 triệu USD, đứng thứ 47/132 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 10 dự án đầu tư vào New Zealand, với tổng vốn đăng ký 32,7 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ, đứng thứ 27/76 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài.
Tháng 7/2019, thương hiệu rau an toàn Lá Lành đã chính thức ra mắt người tiêu dùng và được đưa vào phân phối tại nhiều siêu thị lớn ở khu vực phía Nam.
Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được trồng theo phương pháp canh tác thực hành nông nghiệp tốt và bền vững, đảm bảo sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà người tiêu dùng có thể tin mua, giúp ích cho sức khỏe, đồng thời bảo vệ môi trường.
Lấy thí điểm tại tỉnh Bình Định, dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand, mô hình sản xuất rau Lá Lành đã được thực hiện ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh trước khi mở rộng ra Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Dự án hướng tới mục tiêu thu hút 2.000 hộ nông dân trong những năm tới, góp phần đưa tổng diện tích rau an toàn của Bình Định lên 2.000 ha.
Ngoài dự án rau an toàn tại Bình Định, New Zealand cũng đang hỗ trợ Việt Nam ngành trồng giống thanh long mới có khả năng chống chịu bệnh cao và hương vị hấp dẫn hơn thông qua chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand tại khu vực miền Nam; dự án gây trồng giống bơ, chanh leo chất lượng cao tại tỉnh Đắk Nông; dự án nghiên cứu cách làm giảm thất thoát hậu thu hoạch cho cây gạo…
Trước đó, năm 2018, tiếp nối xoài và thanh long, quả chôm chôm Việt Nam cũng đã chính thức được xuất khẩu vào thị trường New Zealand sau bảy năm nộp hồ sơ và đàm phán, góp phần gia tăng đáng kể kim ngạch thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
Với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện, khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm nay là hoàn toàn có thể.
Đánh giá cao những đóng góp của New Zealand trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và New Zealand nhưng để quan hệ thương mại song phương Việt Nam-New Zealand tăng trưởng mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị New Zealand hỗ trợ Việt Nam phát triển các lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với phát triển bền vững; các cơ chế hợp tác giữa hai nước như Ủy ban Thương mại Hỗn hợp cần phải hướng tới việc hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc hoàn tất đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định RCEP kỳ vọng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới và thu hút đầu tư nước ngoài từ New Zealand.
Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường New Zealand và nâng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên mức cao hơn trong thời gian tới./.

Nguồn:VITIC Tổng hợp