menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam sẽ sớm bắt kịp xu hướng thế giới với CBDC

10:06 09/09/2021

Việc Việt Nam nhanh chóng nghiên cứu, thí điểm tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước sớm loại bỏ các vấn đề liên quan đến tiền mặt như in tiền, phân phối và chống tiền giả.
Nhiều quốc gia tăng tốc
Mới đây, các Ngân hàng Trung ương của Úc, Singapore, Malaysia và Nam Phi cho biết, sẽ hợp lực để thử nghiệm việc sử dụng nhiều loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) trên một nền tảng dùng chung cho các khoản thanh toán và giao dịch xuyên biên giới. Hoạt động này được dẫn dắt bởi Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ở Singapore - Dự án Dunbar, nhằm cho phép các tổ chức tài chính giao dịch với nhau bằng các đồng CBDC, qua đó cắt giảm thời gian và chi phí giao dịch.

Các quốc gia không chỉ tăng tốc nghiên cứu thí điểm CBDC mà còn tăng cường hợp tác thanh toán quốc tế (ảnh minh hoạ)

Kết quả về sự phát triển cùng hợp tác của các đối tác công nghệ trong khu vực công và tư nhân, dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm tới.
Giám đốc Fintech Sopnendu Mohanty tại Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết: “Những phát hiện về cách một nền tảng chung có thể được quản lý hiệu quả hơn và từ đó sẽ hình thành kế hoạch chi tiết cho các hệ thống thanh toán ở thế hệ tiếp theo”.
Trong cuộc đua đổi mới công nghệ tài chính, các Ngân hàng Trung ương ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Singapore, cộng với một loạt quốc gia khác và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đã công bố cân nhắc của họ đối với CBDC dưới nhiều hình thức khác nhau trong những năm gần đây.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 942 ngày 15/6/2021, giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023. Có thể hiểu, đây là một sự khởi đầu cho việc nghiên cứu CBDC tại Việt Nam, bắt kịp cùng xu hướng toàn cầu, với thế mạnh về nền tảng Fintech nở rộ trong những năm gần đây. Đặc biệt, với NHNN, việc ứng dụng CBDC sẽ loại bỏ các vấn đề liên quan đến tiền mặt như in tiền, phân phối và chống tiền giả…
Phát biểu tại một toạ đàm về Pháp luật Việt nam trong lĩnh vực tiền ảo, ThS. Lê Xuân Lục, Giảng viên Đại học Kiểm sát Hà Nội cho biết, Việt Nam có sự phát triển kinh tế vĩ mô tương đối nhanh và ổn định trong thời gian vừa qua. Những thành tựu phát triển kinh tế là không thể phủ nhận, từ những kết quả đó dẫn đến việc Việt Nam sẽ bắt kịp với các nước khác, dựa trên cơ sở tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế kỹ thuật số. Như vậy, xu thế pháp luật của Việt Nam cũng sẽ không thể đứng ngoài vòng phát triển này, vì cấm chưa bao giờ là giải pháp tốt để phát triển kinh tế.
Theo ông Lê Xuân Lục, Việt Nam sẽ có 4 định hướng giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, sẽ cấm dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán và sẽ khó bỏ quy định cấm này để tránh ảnh hưởng đến tiền pháp định của Việt Nam, nhưng sẽ không cấm với tư cách là tài sản. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến một loạt các thể chế pháp lý khác nhau như quy định về hình sự, dân sự và các sắc luật về thuế.
Thứ hai, xây dựng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và nếu rộng hơn là tự do kinh doanh trong tài chính kỹ thuật số.
Thứ ba, xây dựng một quy chế để kiểm soát, giám sát các giao dịch liên quan đến lĩnh vực tiền ảo và thanh toán số, hoặc cho phép mở sàn giao dịch liên quan đến tiền ảo một cách hợp pháp.
Thứ tư, quy định tiền ảo là đối tượng chịu thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đầu tư kinh doanh loại tài sản này.
Tương lai được báo trước
Công ty tư vấn kinh doanh IDC đã chia sẻ một báo cáo nghiên cứu gần đây rằng, ngay từ khi đồng Libra của Facebook, nay gọi là đồng Diem rục rịch xuất hiện, cũng như sự bùng phát của đại dịch, đã là một lời cảnh tỉnh về việc số hóa nền kinh tế và số hóa tiền giấy là điều không thể tránh khỏi.

Các Ngân hàng Trung ương phải giải quyết các nhu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai gần và cung cấp cho một phương tiện thanh toán hiện đại (ảnh: Internet)

“Điều đó đồng nghĩa với việc các Ngân hàng Trung ương phải giải quyết các nhu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai gần và cung cấp một phương tiện thanh toán hiện đại. Việc sử dụng xuyên biên giới cho các mục đích bán lẻ có thể tạo nền tảng cho việc sử dụng rộng rãi hơn”, báo cáo nhấn mạnh.
IDC kỳ vọng các quốc gia như Thụy Điển và Hàn Quốc sẽ tiến tới với CBDC, trong khi dự đoán đến năm 2025, khoảng 20% các khoản vay tiêu dùng sẽ được giải ngân thông qua tiền tệ kỹ thuật số, vì việc áp dụng hàng loạt sẽ mất ít nhất 3-5 năm.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, Ngân hàng Thái Lan và Ngân hàng Trung ương của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã có một dự án riêng biệt, để nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng CBDC để thanh toán xuyên biên giới. Mà hiện nay, Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đang được coi là sáng kiến CBDC tiên tiến nhất trên thế giới.
Tính đến cuối tháng 6, đã có hơn 1,32 triệu Nhân dân tệ kỹ thuật số thử nghiệm, bao gồm ăn uống, vận chuyển, mua sắm và tiêu dùng cũng như các dịch vụ của Chính phủ. Tổng cộng 70,75 triệu giao dịch đã được thực hiện trị giá khoảng 34,5 tỷ Nhân dân tệ (5,3 tỷ USD). Không dừng lại ở đó, các ngân hàng thương mại nước này còn bắt đầu triển khai với các dịch vụ cho khách hàng như tham gia bảo hiểm, đầu tư quỹ và dự kiến sẽ còn mở rộng phạm vi.
Riêng phía Hoa Kỳ, Chính phủ nước này dường như không thấy có quá nhiều lý do để thay đổi, vì đồng Đô la Mỹ đang rất chiếm ưu thế trong thanh toán quốc tế hiện nay.
Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã trả lời trên báo chí trước đó rằng, ông hoài nghi về việc liệu có bắt buộc cần tạo ra một loại tiền kỹ thuật số quốc gia hay không? Sự xuất hiện của các tài sản kỹ thuật số tư nhân, chẳng hạn như stablecoin trong những năm gần đây đã tạo ra một công cụ thanh toán hấp dẫn, vì giá trị có thể được gắn với một hoặc nhiều tài sản, ví dụ như tiền tệ có chủ quyền.
"Stablecoin, như tên gọi của chúng cho thấy, đây là một loại tiền điện tử có giá trị được gắn với một loại tài sản khác, như tiền tệ fiat hoặc vàng để ổn định giá. Các khoản thanh toán bằng cách sử dụng các stablecoin như vậy cũng có thể là "miễn phí", nghĩa là sẽ không có phí bắt buộc để giao dịch một khoản thanh toán. Nếu một hoặc nhiều thỏa thuận stablecoin có thể phát triển trên một cơ sở người dùng, chúng có thể trở thành thách thức lớn đối với các ngân hàng trong việc xử lý các khoản thanh toán. Khu vực tư nhân đã và đang phát triển các giải pháp thay thế thanh toán để cạnh tranh với hệ thống ngân hàng. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạo ra một loại CBDC để giảm giá dịch vụ thanh toán có vẻ không cần thiết”, Waller nói.
Còn Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã thông báo: Fed sẽ xuất bản một tài liệu thảo luận về lợi ích và chi phí của việc tạo ra CBDC, mặc dù ông luôn nhấn mạnh đồng Đô la Mỹ sẽ không bị thay thế bởi CBDC.
Từ vấn đề này, Oriol Caudevilla, một thành viên tại Hiệp hội tiền kỹ thuật số lưu ý, Hoa Kỳ đang tụt lại phía sau liên quan đến CBDC. “Nói chung, họ nghi ngờ nhiều hơn so với hầu hết các nước châu Á hoặc thậm chí EU đối với CBDC. Cùng cùng, Mỹ không thấy có quá nhiều lý do để thay đổi vì đồng Đô la đang rất mạnh".

Nguồn:Diễm Ngọc/Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Link gốc