Sự bùng phát của virus corona đang gây thiệt hại tới xuất khẩu của Trung Quốc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình trạng bế tắc trong hai tuần sau khi chính phủ Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ tết Âm lịch để kiểm soát dịch bệnh đã khiến hơn 1.500 người tử vong, hơn 60.000 người nhiễm bệnh trên thế giới.
Mặc dù nhân viên đang quay trở lại làm việc, nhiều công ty vẫn hoãn tái khởi động sản xuất ở Trung Quốc và các nơi khác. Người tiêu dùng xa lánh cửa hàng và nhà hàng, giao thông bị gián đoạn.
“Sự lây lan của virus - hay chính xác hơn là nỗ lực kìm hãm dịch bệnh - gây ra nguy cơ ngắn hạn lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu”, Neil Shear, kinh tế trưởng tại Capital Economics cho biết.
Số ca nhiễm virus corona trên thế giới tính đến 12h13 GMT ngày 15/2, tức 19h13 giờ Hà Nội.
Tác động tới tăng trưởng toàn cầu
Ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến lớn hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), một loại virus corona khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, vào năm 2002. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã phát triển gấp 4 lần và liên kết chặt chẽ hơn với phần còn lại của thế giới.
Deutsche Bank dự báo, do tình hình virus corona hiện tại, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm 1,5% trong quý đầu tiên của năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, ở 4,6%. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm 0,5 điểm phần trăm.
Dự báo thay đổi GDP quý I năm nay so với cùng kỳ năm 2019 của các quốc gia, khu vực trên thế giới.
Oxford Economics cho rằng tăng trưởng Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn và đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm nay từ 2,5% xuống 2,3%, mức yếu nhất kể từ năm 2009.
Quy mô gián đoạn có thể thấy được trong sự sụt giảm lượng khách ở Trung Quốc dịp đầu năm lên tới 2 con số, hệ quả của nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Các trung tâm lớn, bao gồm thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc – vùng tâm dịch, phần lớn bị đình trệ.
Quy mô giao thông vận tải đường bộ, đường sắt và đường không của Trung Quốc trong dịp tết Âm lịch (trái) và số du khách đến Vũ Hán qua từng năm.
Công ty toàn cầu cạn dần linh kiện
Trung Quốc là nhà xuất khẩu linh kiện điện và điện tử lớn nhất thế giới, gấp 5 lần Đức và chiếm 30% giá trị xuất khẩu toàn cầu, theo dữ liệu từ Unctad, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc.
“Sự bùng nổ của virus corona có khả năng khiến ngành sản xuất toàn cầu rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020. Điện tử và máy tính có nguy cơ cao nhất”, theo Ana Boata, chuyên gia kinh tế tại Allianz Research.
Giá trị xuất khẩu linh kiện điện và điện tử hàng năm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đức và Nhật Bản. Đơn vị: tỷ USD.
Vũ Hán đã phát triển thành một trung tâm xuất khẩu phụ tùng và phụ kiện xe hơi của Trung Quốc, gấp 3 lần trong thập kỷ qua, trong khi xuất khẩu động cơ tăng 4 lần. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa.
Tình trạng thiếu hụt linh kiện cũng xảy ra ở nước ngoài. Nhà sản xuất Italia – Mỹ Fiat Chrysler cho biết họ đang gặp khó khăn khi tìm mua các bộ phận chính từ các nhà cung cấp Trung Quốc và có thể buộc phải ngừng sản xuất trong vài tuần.
Hãng sản xuất xe hơi Hyundai đã buộc phải đóng cửa các nhà máy tại Hàn Quốc trong tuần đầu tiên của tháng 2 trong khi Volkswagen tạm hoãn khởi động lại quy trình sản xuất ở các nhà máy Trung Quốc đến ngày 17/2.
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á chịu ảnh hưởng nhiều từ sự đình trệ. Hơn 1/3 hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines đến từ Trung Quốc.
“Vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc khiến tình trạng gián đoạn nhiều khả năng xảy ra ở cả những nơi khác”, ông Shearing nói. “Các nền kinh tế mới nổi tại châu Á dễ bị ảnh hưởng nhất, cùng với đó là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và điện tử”.
Nhu cầu tiêu dùng giảm
Nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu khi khách hàng không ra khỏi nhà và các dịch vụ vẫn đóng cửa. Điều này có tác động toàn cầu khi Trung Quốc chiếm 11% lượng hàng hóa nhập khẩu trên thế giới, tăng từ mức 2,7% 20 năm trước.
Các thương hiệu bán lẻ lớn - như Levi Strauss, Ikea, H&M, Nike và Starbucks - đã đóng nhiều cửa hàng của họ tại Trung Quốc. Các khu nghỉ dưỡng Walt Disney ở Thượng Hải và Hong Kong cũng ngừng hoạt động.
“Bán lẻ và các dịch vụ liên quan của Trung Quốc đã ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi virus. Từ cửa hiệu đến nhà hàng, lượng khách hàng sụt giảm đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, và du lịch nội địa giảm mạnh cũng sẽ gây thiệt hại”, Robert Carnell, nhà kinh tế trưởng tại ING, cho biết.
Tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu năm 1999 và 2019, trong vòng 12 tháng tính từ tháng 10, của các nước Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Anh so với thế giới.
Gián đoạn du lịch cũng được dự báo làm giảm nhu cầu. Khoảng 20 hãng hàng không - bao gồm American Airlines, British Airways và Air France - đã hủy các chuyến bay đến Trung Quốc, một số kéo dài tới tháng 3 và tháng 4.
Du lịch quốc tế dự kiến bị ảnh hưởng với tình trạng hủy phòng tăng lên và đặt phòng giảm đi. Khoảng 150 triệu khách du lịch Trung Quốc - con số lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào - chi khoảng 279 tỷ USD khi du lịch hàng năm, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc.
Khách du lịch từ Trung Quốc chiếm phần lớn nhất trong số du khách đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Các chuyến du hành trên biển cũng bị hoãn lại.
Số lượng người Trung Quốc, Đức, Mỹ du lịch nước ngoài qua các năm. Đơn vị: triệu người.
Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, gồm kim loại và quặng, cho ngành công nghiệp nhiên liệu. Các nhà buôn đồng tại Trung Quốc đã đề nghị các công ty khai thác từ Chile đến Nigeria hủy bỏ hoặc hoãn lại các lô hàng do đóng cửa nhà máy.
Tổ chức tư vấn nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie ước tính nhu cầu khí đốt ở Trung Quốc sẽ giảm khoảng 2 tỷ m3 tính đến cuối tuần đầu tiên của tháng 2. Oxford Economics hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô hàng năm 200.000 thùng/ngày, xuống còn 900.000 thùng/ngày.
Nhiều nhà kinh tế trông đợi sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II, cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh khi đó qua. Tuy nhiên, Freya Beamish, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Pantheon Economics, cho rằng ngành sản xuất được tái khởi động sẽ là động lực chính của giai đoạn phục hồi, do “nhiều dịch vụ khó có thể phát triển được như trước”.