Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm, XNK của Việt Nam ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó XK tăng 10%, NK tăng gần 16%. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK vượt 100 tỷ USD là kết quả khá phấn khởi, thành tích tương đối lớn. Đi sâu phân tích kỹ lưỡng cơ cấu XK dễ thấy, các mặt hàng XK của Việt Nam đã có mặt trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, XK đã tập trung vào một số mặt hàng chủ lực. Nếu cả năm 2021, Việt Nam có 34 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD thì ngay 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 5 tỷ USD.
Đáng chú ý, 2 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%. Từ trước tới nay trong XK hàng hóa, khu vực kinh tế trong nước thường lép vế hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên những con số trong 2 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực là bắt đầu có sự cải thiện. XK của DN 100% vốn trong nước hiện đã chiếm trên 1/4 tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam.
Việt Nam đã nhập siêu 2,33 tỷ USD trong tháng 2/2022 và con số nhập siêu trong 2 tháng đầu năm là 937 triệu USD. Theo ông, điều này có đáng lo ngại không?
Nghiên cứu trong cả quá trình dài cho thấy, việc Việt Nam nhập siêu hơn 900 triệu USD trong 2 tháng đầu năm không có gì đáng ngại. Nhìn vào cơ cấu NK thấy rằng, nhóm tư liệu sản xuất chiếm tới 93,8% tổng kim ngạch NK. Điều đó phản ánh Việt Nam nhập nguyên vật liệu, thiết bị về để sản xuất chiếm gần như tuyệt đối. Với mức nhập siêu này, những tháng sau, quý sau, Việt Nam có đầy đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, XK tạo đà để chuẩn bị đón xuất siêu trở lại.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, xin ông cho biết đâu là những thách thức nổi cộm mà XK hàng hóa của Việt Nam sẽ phải đối mặt thời gian tới?
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2%. Việt Nam có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch XK (có 4 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).
Về cơ cấu nhóm hàng XK, 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,4%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, bằng cùng kỳ năm trước.
Mặc dù 2 tháng qua XNK hàng hóa đạt kết quả khả quan, song trong năm 2022 XNK sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn.
Tại thị trường trong nước, dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Số lượng các ca F0, F1 vẫn tăng cao và diễn biến phức tạp. Muốn phát triển kinh tế nói chung, XNK hàng hóa nói riêng thì phải làm tốt công tác chống dịch, thực hiện tốt chủ trương “sống chung” an toàn, bình tĩnh với Covid-19.
Bên cạnh đó, XNK hàng hóa, đặc biệt là XK của Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao, điển hình như giá xăng dầu tăng cao. Nguồn cung xăng dầu hạn hẹp trong khi phát triển sản xuất, nhu cầu về xăng dầu tăng cao. Đặc biệt, xung đột Nga-Ukraine có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá dầu trên thị trường thế giới, ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Ngoài ra, chi phí logistics của Việt Nam vốn đã cao, gặp phải các trở ngại như hiện tại có khả năng chi phí logistics sẽ còn bị đẩy lên nữa. Đây là thách thức lớn đòi hỏi các DN cần có chiến lược để khắc phục, vượt qua.
Một yếu tố nữa là tình hình thế giới thay đổi, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thế giới có những biến động khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra. Sự biến động ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ tỷ giá của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động XNK. Sự trừng phạt nhau của các quốc gia lớn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, hệ thống tiền tệ và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Đó là nhưng vấn đề khó đoán định nhưng cũng cần lường trước, dự liệu các phương án để quản trị rủi ro...
Một số ý kiến cho rằng, tập trung khai thác, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là giải pháp quan trọng giúp giảm bớt khó khăn, thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Quan điểm của ông ra sao?
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có sự cố gắng lớn trong ký kết các FTA với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó điển hình có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được các cơ hội từ những FTA.
Để duy trì lợi thế XK thời gian tới phải thực hiện tốt các cam kết, tận dụng tốt hơn nữa các FTA. Ngoài các FTA như CPTPP, EVFTA, năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng bắt đầu có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi hơn để đưa hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN cũng như thị trường Trung Quốc. Đó là điều cần đặc biệt quan tâm.
Trên thực tế, nếu hàng hóa Việt Nam vào được sâu hơn các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia..., đương nhiên hàng hóa Việt Nam sẽ đi được tất cả các thị trường khác trên thế giới, kể cả đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc theo hướng XK chính ngạch, tiến tới giảm dần XK tiểu ngạch.
Ngoài thúc đẩy tận dụng các FTA tạo đòn bẩy cho XK hàng hóa, tôi cho rằng tính phối hợp, hợp tác làm ăn với nhau giữa các thành phần, DN, các địa phương trong hoạt động XNK trở nên đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong năm 2022; trong đó DN lớn đóng vai trò hạt nhân. Cần đúc kết một cách bài bản, kỹ lưỡng kinh nghiệm tổ chức XK quả vải Bắc Giang thời gian qua khi có sự vào cuộc, phối hợp của cả Trung ương, địa phương cũng như các DN lớn và sự đồng tình, hưởng ứng của bà con nông dân. Đây là bài học lớn cần nhân rộng ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn:Haiquanonline