Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 và xuất khẩu tiếp tục là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế, được kỳ vọng sẽ đạt nhiều thành tích mới trong những tháng cuối năm.
* Kết quả khả quan
Trong nửa đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã chính thức cán mốc 225,29 tỷ USD, tăng 13%, so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16%; kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10%.
Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 85,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Những con số này là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Gạo là một trong các mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm 20 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Còn dẫn đầu vẫn là các mặt hàng như điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,7%; hàng dệt may 60,6%.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam đó là sự tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước đã chiếm tới 20%. Trong đó, ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như gạo, cà phê, cao su, trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp trong nước đã tham gia xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp khác.
Dù phải chịu rất nhiều biến động từ các thị trường như các rào cản phòng vệ thương mại liên tiếp được dựng lên… nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng vẫn tăng, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung so với cùng kỳ năm trước. Điển hình với Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch đạt 21,5 tỷ USD, tăng 9,2%; tiếp đến là EU đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,3%; Trung Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 28%; thị trường ASEAN đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,4%; Nhật Bản đạt 9 tỷ USD, tăng 12,5%; Hàn Quốc đạt 8,6 tỷ USD, tăng 31,8%...
Cùng với sự tăng trưởng của xuất khẩu, cán cân thương mại thặng dư vẫn được ghi nhận là một trong những điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 2,71 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,94 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,65 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó dịch vụ du lịch đạt 5,2 tỷ USD tăng 18,9%; dịch vụ vận tải đạt 1,4 tỷ USD tăng 11,8%.
* Tạo đà cho các tháng cuối năm bứt phá
Chặng đường nửa đầu năm 2018 đã kết thúc với những kết quả tích cực đó sẽ tạo đà tốt để xuất khẩu những tháng cuối năm bứt phá hơn, Việt Nam tiếp tục xuất siêu cả năm và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, theo nhận định từ giới phân tích, quy luật lượng đơn hàng thường rơi vào các quý cuối năm, do đó kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nói riêng của cả năm 2018 được kỳ vọng sẽ đạt nhiều thành tích mới.
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2018, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN đánh giá, xuất khẩu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số và có thể cao gấp 2 lần GDP. Trong đó, xuất khẩu ước đạt từ 240-242 tỷ USD, tăng 13% so với 2017. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt từ 475-477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Thặng dư cán cân thương mại hàng hoá mức thấp. Cùng với đà tăng trưởng này, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ cán mốc 525 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 265 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, tăng 50 tỷ USD so với năm 2017.
Để tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các FTA. Qua đó, để tận dụng những lợi thế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn doanh nghiệp trong quá trình đàm phán ký kết, sửa đổi, nâng cấp các FTA.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại, đồng thời giảm áp lực nhập khẩu. Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành phù hợp hơn.
Và để xuất khẩu hướng đến tăng trưởng bền vững cần có giải pháp tổng thể từ thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao giá trị gia tăng, đến sự chuyển động tích cực về mặt chiến lược của doanh nghiệp. Theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-8-2017, mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030.