Theo dữ liệu từ LSEG Oil Research, nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út – nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – vào châu Á đã tăng lên 5,83 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2024, so với 5,28 triệu thùng/ngày của tháng 10/2024.
Ngược lại, nguồn cung từ Nga vào khu vực nhập khẩu lớn nhất này đã giảm xuống 3,51 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2024, từ mức 3,96 triệu thùng/ngày của tháng 10/2024, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024.
Dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu từ Ả Rập Xê Út của Châu Á đã tăng 550.000 thùng/ngày vào tháng 11/2024, trong khi lượng dầu nhập khẩu từ Nga giảm 450.000 thùng/ngày.
Việc chuyển hướng sang dầu Ả Rập Xê Út diễn ra ngay cả khi Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí quốc gia, đã tăng giá bán chính thức (OSP) cho khách hàng Châu Á đối với các lô hàng giao tháng 11/2024.
Giá dầu Arab Light của Aramco tăng 90 cent/thùng, cao hơn 2,20 USD so với giá chuẩn trung bình khu vực Oman/Dubai trong tháng 11/2024.
Việc tăng giá này diễn ra sau khi mức chênh lệch đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm vào tháng 10/2024, và được coi là tín hiệu cho thấy biên lợi nhuận lọc dầu tại châu Á đang phục hồi.
Lợi nhuận từ việc lọc một thùng dầu Dubai tại các nhà máy lọc dầu điển hình ở Singapore đã tăng lên 6,62 USD vào ngày 29/11, tăng 240% so với mức 1,95 USD vào ngày 10/10 khi xu hướng tăng hiện tại bắt đầu.
Mặc dù Aramco đã tăng OSP trong tháng 11/2024, dầu thô Ả Rập Xê Út vẫn có tính cạnh tranh hơn về giá tại châu Á so với các loại dầu khác, bao gồm dầu Urals của Nga – loại dầu chủ yếu được xuất khẩu từ các cảng phía tây của Nga.
Giá dầu Dubai giao ngay kết thúc tháng 11/2024 ở mức 71,83 USD/thùng , cao hơn 4,36 USD so với dầu Urals của Nga, chốt ở mức 67,47 USD/thùng.
Mức chênh lệch này thấp hơn so với hầu hết các tháng gần đây, khi dầu Dubai giao dịch trên mức 5 USD/thùng.Ngoài ra, dầu Nga phải đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn, do quang đường biển từ các cảng của Nga ở vùng Baltic đến châu Á dài hơn.
Chi phí này có thể còn tăng thêm khi các lệnh trừng phạt đối với đội tàu “bóng tối" của Nga được mở rộng, trong đó Anh đã áp dụng biện pháp mới đối với 30 tàu vào tuần trước, nâng tổng số tàu bị ảnh hưởng lên 73.
Thị trường Trung Quốc và Ấn Độ
Dầu thô của Nga chủ yếu được cung cấp cho hai khách hàng lớn ở Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp đặt sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào năm 2022.
Nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc trong tháng 11/2024 giảm xuống còn 2,04 triệu thùng/ngày từ mức 2,19 triệu thùng/ngày của tháng 10/2024. Trong khi lượng dầu nhập khẩu từ Nga sang Ấn Độ giảm xuống còn 1,47 triệu thùng/ngày từ mức 1,75 triệu thùng/ngày.
Cùng lúc đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu thô Ả Rập Xê Út lên 1,68 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2024 từ mức 1,62 triệu thùng/ngày của tháng 10, trong khi Ấn Độ nhập khẩu 770.000 thùng/ngày từ nước này, tăng từ mức 610.000 thùng/ngày.
Các nhà cung cấp khác ở Trung Đông cũng ghi nhận lượng nhập khẩu tăng trong tháng 11/2024, điều này có thể phản ánh sự cạnh tranh dầu thô của họ so với các loại dầu được định giá theo chỉ số tham chiếu toàn cầu Brent, chẳng hạn như dầu từ Tây Phi.
Nhập khẩu dầu Iraq của Trung Quốc tăng lên 1,53 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2024 từ mức 1,21 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2024, trong khi lượng dầu nhập khẩu từ Oman tăng lên 770.000 thùng/ngày từ 680.000 thùng/ngày.
Dữ liệu LSEG cho thấy lượng dầu nhập khẩu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sang Ấn Độ đã tăng lên 510.000 thùng/ngày trong tháng 11/2024, từ mức 360.000 thùng/ngày trong tháng 10/2024.
Chênh lệch giá giữa dầu Brent và Dubai đã đạt mức cao nhất trong 11 tháng là 2,98 USD/thùng vào ngày 30/8, thời điểm mà các hợp đồng mua dầu thô được giao vào tháng 11/2024 đã được ký kết.
Mức chênh lệch này sau đó đã giảm dần, kết thúc ở mức 1,42 USD/thùng vào ngày 29/11, và sự thu hẹp này có thể giúp các nhà xuất khẩu như Angola và Nigeria lấy lại thị phần ở châu Á đối với các lô hàng sẽ đến vào đầu năm sau.
Thách thức đối với các nhà xuất khẩu Trung Đông là duy trì khả năng cạnh tranh của dầu thô so với các nhà sản xuất khác để giữ vững hoặc lấy lại thị phần.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với họ vì nhu cầu dầu thô chung của Châu Á có thể sẽ giảm vào năm 2024 so với năm trước, với lượng nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt 26,52 triệu thùng/ngày, giảm 370.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters