menu search
Đóng menu
Đóng

Các lệnh trừng phạt của Trump gây thiệt hại cho sản lượng dầu của OPEC

07:53 04/06/2019

Vinanet - Một khảo sát của Reuters cho thấy Saudi Arabia nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã nâng sản lượng trong tháng 5/2019, nhưng không đủ để bù cho sự sụt giảm xuất khẩu của Iran sau khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt với Tehran.
14 quốc gia OPEC đã bơm 30,17 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5/2019, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng trước đó và tổng sản lượng của OPEC thấp nhất kể từ năm 2015.
Khảo sát cho thấy mặc dù Saudi Arabia nâng sản lượng sau áp lực giảm giá dầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, vương quốc này vẫn tình nguyện bơm ít hơn so với cam kết trong thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC.
Một nguồn tin theo dõi sản lượng của OPEC cho biết “chúng tôi thấy nguồn cung của OPEC giảm trong tháng 5/2019 xuống mức thấp nhất trong nhiều năm”. “Không có sự gia tăng lớn trong tháng này và tổn thất của các nước khiến sản lượng giảm”.
Bất chấp các nguồn cung giảm, dầu thô đã giảm từ mức cao nhất 6 tháng trên 75 USD/thùng trong tháng 4/2019 xuống dưới 68 USD/thùng trong ngày 30/5, áp lực bởi lo ngại về tác động kinh tế từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Một đại diện của OPEC cho biết hầu hết các quốc gia hạn chế sản lượng trong tháng 5/2019, mặc dù họ có thể tìm cách nâng doanh thu tại thị trường Châu Á nơi đang phát triển nhanh hơn. Ông nói “các nhà sản xuất có thể thay đổi danh mục đầu tư sang Châu Á nhưng không tăng sản lượng nói chung”.
OPEC, Nga và các thành viên ngoài tổ chức này, gọi là OPEC+ trong tháng 12/2018 đã đồng ý giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ 1/1/2019. Trong số đó OPEC cắt giảm 800.000 thùng dầu mỗi ngày được phân bổ trong 11 thành viên, ngoại trừ Iran, Libya và Venezuela.
Các nhà sản xuất dự định nhóm họp trong tháng 6/2019 để quyết định liệu có gia hạn thỏa thuận hay điều chỉnh. Trong tháng 5/2019, 11 thành viên của OPEC đã đạt được 96% theo cam kết cắt giảm, so với 132% trong tháng 4/2019, do sản lượng tăng tại Saudi Arabia và Iraq, Angola.
Nhưng sự sụt giảm sản lượng tại 2 quốc gia sản xuất được miễn trừ nhiều hơn sự gia tăng này. Iran đã giảm sản lượng nhiều nhất trong các nước OPEC.
Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran trong tháng 11/2018 sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc thế giới. Nhằm cắt giảm doanh thu của Iran về 0, Washington trong tháng 5 đã kết thúc các quy định miễn trừ trừng phạt với các nhà nhập khẩu dầu của Iran.
Tuy nhiên Iran đã xuất khẩu khoảng 400.000 thùng trong tháng này, chưa bằng một nửa so với xuất khẩu của họ trong tháng 4/2019.
Tại Venezuela, sản lượng giảm 50.000 thùng/ngày trong tháng 5/2019 do tác động các lệnh trừng phạt của Mỹ với công ty dầu PDVSA và sự sụt giảm sản lượng trong dài hạn.
Sản lượng cũng giảm tại Nigeria vì đóng cửa đường ống dẫn làm gián đoạn xuất khẩu.
Trong số các quốc gia bơm thêm dầu, Saudi Arabia tăng sản lượng 200.000 thùng/ngày lên 10,05 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn hạn ngạch 10,311 thùng/ngày theo thỏa thuận của OPEC. Iraq tăng xuất khẩu và Libya có giai đoạn tương đối ổn định.
Mặc dù vậy, sản lượng trong tháng 5/2019 là thấp nhất của OPEC kể từ tháng 2/2015, không bao gồm việc thay đổi các thành viên diễn ra kể từ đó,.
Khảo sát của Reuters nhằm theo dõi nguồn cung ra thị trường và được dựa vào số liệu vận chuyển cung cấp bởi các nguồn bên ngoài, số liệu của Refinitiv Eikon và thông tin cung cấp bởi các nguồn tại các công ty dầu, OPEC và các công ty tư vấn.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn:Vinanet