menu search
Đóng menu
Đóng

Các nhà sản xuất dầu Bắc Mỹ giảm sản lượng nhanh hơn

08:33 11/05/2020

Vinanet - Các công ty dầu mỏ Bắc Mỹ đã giảm sản lượng nhanh hơn so với các nhà phân tích và quan chức OPEC dự kiến, hướng tới cắt giảm khoảng 1,7 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6/2020, theo phân tích của Reuters.
Tổ chức OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga gọi là OPEC+ đã ký một thỏa thuận trong tháng trước để kiềm chế dư cung tồi tệ nhất do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu toàn cầu giảm khoảng 30%.
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020. Họ cũng thúc đẩy các thành viên ngoài OPEC+ gồm các quốc gia Bắc Mỹ đóng góp cắt giảm sản lượng thêm 10 triệu thùng/ngày, đưa tổng sản lượng cắt giảm khoảng 20% nguồn cung thế giới.
Trong các cuộc đàm phán tháng trước, một số thành viên OPEC đã nâng lo ngại rằng các quốc gia như Mỹ và Canada không thể kiểm soát mức độ cắt giảm của các công ty tư nhân mà không có ủy nhiệm của nhà nước.
Một số các nhà sản xuất tại Bắc Mỹ đã thông báo cắt giảm đáng kể, gồm ConocoPhillips, Exxon Mobil, tập đoàn Chevron và công ty Cenovus Energy của Canada. Mỹ và Canada, sản xuất hơn 17 triệu thùng mỗi ngày, đã sẵn sàng cắt giảm sản lượng khoảng 10% theo ước tính của Reuters.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette trong tháng cho biết rằng bộ này dự kiến sản lượng của Mỹ giảm 2 tới 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Ông và các quan chức khác của Mỹ cho biết không cần ủy nhiệm cắt giảm vì giá dầu thấp sẽ khiến các công ty giảm sản lượng. Nhà điều hành tại các bang dầu mỏ hàng đầu gồm Texas và Bắc Dakota đã xem xét cắt giảm nhưng không hạn chế sản lượng.
Một nguồn tin OPEC cho biết “sức mạnh của thị trường đôi khi có thể dữ tợn”, bổ sung ông đã ngạc nhiên với tốc độ giảm nguồn cung của Mỹ và Canada.
Một số Bộ trưởng Năng lượng muốn cam kết chính thức cắt giảm từ các quốc gia ngoài OPEC trước khi tổ chức một cuộc họp, nhấn mạnh các quốc gia của họ đã nhường lại thị phần trong nhiều năm.
Bộ trưởng dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh cho biết trong đầu tháng 4/2020 rằng việc cắt giảm từ các công ty như Mỹ và Canada nên được giải quyết trước khi OPEC tổ chức cuộc họp. Phát ngôn viên của chính phủ Nga Dmitry Peskov cho biết việc cắt giảm liên quan tới kinh tế không bằng với cắt giảm bắt buộc, mạnh mẽ hơn từ các nhà sản xuất dầu để ổn định thị trường.
Họ lo ngại về các nhà sản xuất Mỹ hưởng lợi từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga. Trong khi các nhà sản xuất OPEC+ đang cắt giảm sản lượng để nâng giá kể từ năm 2016, các nhà sản xuất dầu đá phiến tận dụng giá tăng để sản xuất thêm, đánh cắp thị trường một cách hiệu quả. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong khi OEPC và Nga kiềm chế sản lượng.
Tính tới tháng 2/2020, tháng mới nhất có số liệu chính thức, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 12,8 triệu thùng/ngày. Số liệu hàng tuần cho thấy sản lượng giảm xuống 11,9 triệu thùng/ngày, nhưng số liệu đó được xem như ít tin cậy hơn số liệu hàng tháng. Trong những ngày gần đây, giá dầu trên thị trường giao ngay đã phục hồi. Các nhà phân tích đã điều chỉnh triển vọng đối với việc đóng cửa sản xuất do phản ứng nhanh chóng từ các nhà điều hành.
Sản lượng giảm nhanh nhất đến từ Texas, bang sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, với sản lượng 5 triệu thùng/ngày. Sản lượng của Texas có thể giảm 20% hay 1 triệu thùng vào cuối tháng 5/2020, theo phó giám đốc điều hành của Liên minh các nhà sản xuất năng lượng Texas.
Tại Bắc Dakota, sản lượng giảm ít nhất 400.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/3/2020, gần 1/3 sản lượng 1,4 triệu thùng/ngày của bang này trước khi khủng hoảng. Các quan chức bang dự kiến khối lượng giảm tiếp tục tăng.
ConocoPhillips đã cắt giảm mạnh nhất cho biết họ sẽ giảm 460.000 thùng/ngày ở Mỹ và Canada. Exxon Mobil thông báo cắt giảm toàn thế giới khoảng 400.000 thùng/ngày, với 2/3 trong số đó đến từ 2 quốc gia.
Ông Trump đánh giá giá dầu tăng là do nhu cầu tăng, nhưng sự phục hồi trong tiêu dùng tiếp tục còn ảm đạm. Hàng tỷ thùng đã đưa vào kho do dư thừa. Dư cung sẽ gây sức ép lên thị trường trong nhiều năm nếu nhu cầu không phục hồi.
 

Nguồn:VITIC/Reuters