Liên minh Châu Âu (EU) đang trong tuần lễ ngoại giao căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU bắt đầu tiến hành thảo luận nội bộ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels vào ngày 24-25/3 để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nước NATO, cũng như EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản.
Các Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania và Ireland có ý kiến rằng EU cần phải cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, trong khi đó Đức cảnh báo không nên hành động quá vội vàng vì giá năng lượng ở Châu Âu đang rất cao.
EU phụ thuộc khoảng 40% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than đá từ Nga. Trong EU, Đức là một trong những nền kinh tế lớn nhất phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt của Nga. Đức cũng là nước mua nhiều dầu thô Nga nhất trong khối EU. Bulgaria, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom của Nga, cho biết nước này có thể tìm cách từ chối tham gia vào vòng trừng phạt này. Nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của hãng Nga Lukoil và cung cấp hơn 60% nhiên liệu được sử dụng ở quốc gia vùng Balkan này.
Được biết, tất cả các quyết định trừng phạt của EU đều cần có sự đồng thuận.
Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt của EU tới dầu mỏ của Nga có thể khiến nước này phải đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu, chắc chắn ảnh hưởng đến sự cân bằng năng lượng của lục địa này.
Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên trong cuộc họp hội nghị hàng ngày: “Một lệnh cấm vận như vậy sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu, tác động rất xấu đến cân bằng năng lượng ở lục địa châu Âu”.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)