Dầu thô Mỹ và dầu Brent ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất trong hơn ba tuần, nhưng đạt mức tăng hàng tháng lần lượt là gần 6% và 8%. Nhu cầu nhiên liệu trên toàn thế giới là trái chiều, với mức tiêu thụ tăng ở Mỹ và Trung Quốc, trong khi các quốc gia khác tiếp tục ngừng hoạt động để ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm gia tăng.
Giá dầu Brent chốt ở mức 67,25 USD/thùng, giảm 1,31 USD, tương đương 1,9% vào ngày giao dịch cuối cùng đối với hợp đồng giao tháng trước tháng 6. Dầu thô Mỹ (WTI) giao tháng 6 ở mức 63,58 USD/thùng, giảm 1,43 USD, tương đương 2,2%. Dầu Brent tăng 1,7% trong tuần và WTI tăng 2,3%.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group ở Chicago cho biết: “Đó là thời điểm cuối tháng, nhưng tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là các báo cáo từ Ấn Độ liên quan đến COVID. Sự không chắc chắn đó đã đưa thị trường giảm giá.
Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đang rơi vào khủng hoảng mạnh, với các bệnh viện và nhà xác quá tải, khi số ca nhiễm COVID-19 lên đến 18 triệu vào thứ năm (29/4). Các quan chức cho biết Mỹ đang hạn chế việc đi lại từ đất nước này.
Theo Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu FGE, dưới tác động của dịch Covid-19, nhu cầu xăng dầu của Ấn Độ có thể sẽ giảm 100 ngàn thùng/ngày trong tháng 4/2021 và sẽ lên tới 170 ngàn thùng/ngày vào tháng 5 tới.
Cũng theo FGE, nhu cầu dầu diezel của Ấn Độ, hiện đang ở mức 1,75 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 40% doanh số bán nhiên liệu tinh chế của nước này, có thể sẽ giảm tới 220 ngàn thùng/ngày vào tháng 4 và sẽ giảm tới 400 ngàn thùng/ngày vào tháng 5/2021.
Tại Nhật Bản, nước mua dầu thô lớn khác, nhập khẩu giảm 25% trong tháng 3 so với một năm trước đó xuống 2,34 triệu thùng/ngày, theo số liệu của chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động nhà máy của nước này đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm 2018.
Sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 4 do nguồn cung từ Iran nhiều hơn.
Một cuộc khảo sát của Reuters dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 64,17 USD vào năm 2021, tăng so với mức đồng thuận của tháng trước là 63,12 USD/thùng và mức trung bình 62,30 USD cho đến nay trong năm nay.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu cũng bị hạn chế đáng kể bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực được phát đi từ Mỹ, EU, Trung Quốc… cuối tuần trước. Những dữ liệu này cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu đang có nhiều hơn những gam màu sáng với sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu sản xuất. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô thời gian tới.
Thoả thuận thương mại EU-Anh đã được Nghị viện châu Âu thông qua, mở đường cho một giai đoạn phát triển kinh tế mới ở châu Âu.
Tại Mỹ, trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày (27 – 28/4), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay với việc duy trì lãi suất cơ bản đồng USD gần như bằng 0 và tiếp tục triển khai chương trình mua trái phiếu với số lượng lớn nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
FED cũng đưa ra đánh giá đầy tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế của Mỹ với việc các chỉ số hoạt động kinh tế và việc làm được cải thiện trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 và các kế hoạch phục hồi kinh tế được triển khai mạnh mẽ.
Theo một báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/4, nền kinh tế của nước này đã đạt mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2021 và là mức tăng trưởng cao nhất trong quý đầu tiên kể từ năm 1984.
Kết quả này, theo báo cáo trên, kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có được là nhờ quá trình đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết số đơn thất nghiệp hàng tuần cũng đã giảm xuống mức 553 ngàn đơn, mức thấp nhất trong nhiều tháng gần đây.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Joe Biden được cho cũng đang lên một kế hoạch hỗ trợ, kích thích kinh tế mới trị giá 1.800 tỷ USD. Nếu thông tin này là chính xác và gói hỗ trợ được triển khai thì cùng với những gói hỗ trợ trước đó, đây sẽ là động lực lớn thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới có bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Thực tế, khép tuần giao dịch, trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 buộc nhiều quốc gia phải tăng cường các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội cũng như việc OPEC+ bắt đầu thực hiện tăng sản lượng và các nền kinh tế lớn có khả năng giảm sản lượng nhập khẩu dầu thô, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm mạnh.
Cụ thể, OPEC+ sẽ nâng sản lượng khai thác dầu hàng ngày thêm 350.000 thùng trong tháng 5, 350.000 thùng trong tháng 6 và thêm 441.000 thùng nữa trong tháng 7/2021.
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng điều chỉnh giảm dần mức cắt giảm sản lượng tự nguyện. Theo đó, Saudi Arabia sẽ nâng sản lượng dầu hàng ngày từ mức hiện tại thêm 250 ngàn thùng trong tháng 5, 350 ngàn thùng trong tháng 6 và 400 ngàn thùng trong tháng 7/2021.
Nguồn:VITIC/Reuters