Kết thúc ngày 15/9, giá dầu thô Brent tăng 23US cent, tương đương 0,3%, đạt mức 93,93 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 61 cent, tương đương 0,7%, đóng cửa ở mức 90,77 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đều giao dịch ở mức cao nhất trong 10 tháng và tăng khoảng 4% tính theo tuần.
Giá dầu cũng đang hướng tới mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine vào quý 1 năm 2022.
Fiona Cincotta, nhà phân tích tại City Index, cho biết lo ngại về nguồn cung tiếp tục là động lực thúc đẩy giá kể từ khi Saudi Arabia và Nga trong tháng này cho biết sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung tổng hợp 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm nay.
Cincotta cho biết thêm, dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tốt hơn mong đợi ở Trung Quốc cũng đã thúc đẩy giá dầu trong tuần này, điều kiện kinh tế của nước này được coi là rất quan trọng đối với nhu cầu dầu trong thời gian còn lại của năm nay.
Dữ liệu hôm thứ Sáu (15/9) cho thấy hoạt động chế biến của nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng gần 20% so với một năm trước đó do các nhà chế biến duy trì công suất hoạt động ở mức cao để tận dụng nhu cầu cao trên toàn cầu đối với các sản phẩm dầu.
Nhà phân tích Peter McNally của Third Bridge cho biết dự báo về việc giảm sản lượng dầu của Mỹ cũng đã thúc đẩy giá trong những tuần gần đây.
McNally lưu ý: “Tăng trưởng nguồn cung từ Mỹ dường như bị hạn chế do các nhà sản xuất ở đó đã giảm hoạt động khoan dầu gần 20% so với mức đỉnh năm ngoái”.
Số giàn khoan dầu của Mỹ tăng 2 giàn trong tuần này lên 515 giàn, cao nhất kể từ tháng 4, dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, so với một năm trước, số giàn khoan dầu đã giảm 84 giàn.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng vào phiên sáng thứ năm (14/9), sau khi giảm nhẹ trong phiên trước đó, do thị trường tập trung vào thông tin nguồn cung dầu thô thắt chặt trong thời gian còn lại của năm 2023. Dầu Brent tăng 17 cent lên 92,05 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 19 cent lên 88,71 USD/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm thứ Tư rằng việc Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng dầu đến cuối năm 2023 sẽ đồng nghĩa với việc thâm hụt thị trường đáng kể trong quý 4.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm thứ Ba đã giữ nguyên dự báo về sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 và 2024.
Cả hai loại dầu này đều tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng vào thứ Tư trước khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ bất ngờ tăng khiến thị trường lo lắng về nhu cầu.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng 4 triệu thùng trong tuần trước. Tồn kho nhiên liệu cũng tăng nhiều hơn dự kiến khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động.
Các nhà đầu tư phân tích số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ là Cục Dự trữ Liên bang sẽ không tăng lãi suất vào tuần tới và có thể kéo dài thời gian tạm dừng hơn nữa, làm dấy lên hy vọng về nhu cầu dầu mạnh.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay của doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng vào thứ Tư (13/9), dao động ở mức cao nhất trong 10 tháng đạt được vào ngày hôm trước, do dự báo về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn và lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Libya vượt xa mối lo ngại về nhu cầu chậm hơn ở một số quốc gia như Trung Quốc. Giá dầu Brent tăng 8 cent, tương đương 0,1%, lên 92,14 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 14 cent, tương đương 0,2%, lên 88,98 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng gần 2% vào thứ Ba (12/9) và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2022.
Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa của Rakuten Securities, cho biết “triển vọng nhu cầu tăng của OPEC và dự đoán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) về sự sụt giảm tồn kho dầu toàn cầu đã củng cố quan điểm thị trường về việc thắt chặt nguồn cung trong tương lai”. Ông cho biết thêm, tin tức về thành viên OPEC Libya đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu phía đông do một cơn bão cũng hỗ trợ giá dầu.
Yoshida cho biết: “Tuy nhiên, mức tăng thêm có thể bị hạn chế vì cũng có áp lực giảm giá từ những lo ngại kéo dài về nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024, trích dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những trở ngại như lãi suất cao và lạm phát tăng cao.
Saudi Arabia và Nga tuần trước đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Trong khi đó, EIA cho biết tồn kho dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm gần nửa triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, các kho dự trữ dầu thô, sản phẩm chưng cất và xăng của Mỹ đã tăng trong tuần trước, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) hôm thứ Tư. Tồn kho dầu thô tăng khoảng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 9, so với ước tính của các nhà phân tích về mức giảm khoảng 1,9 triệu thùng. Tồn kho xăng tăng khoảng 4,2 triệu thùng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất tăng khoảng 2,6 triệu thùng.
Trong phiên sáng thứ ba (12/9), giá dầu ít biến động trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô vào cuối tuần này có thể cho biết liệu châu Âu và Mỹ có tiếp tục tăng lãi suất hay không. Dầu Brent giảm 6 UScent xuống 90,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 2 US cent xuống 87,27 USD. Giá dầu Brent đạt 90 USD/thùng vào tuần trước lần đầu tiên sau 10 tháng sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố họ sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày (bpd) cho đến cuối năm nay.
IEA tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, báo cáo tháng 8 của OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm 2%
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm 2% vào thứ Sáu (15/9) do mức giảm sản lượng thấp hơn dự kiến trước đó và dự báo thời tiết ấm hơn vào tuần tới.
Giá giảm bất chấp lượng khí đốt đến nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Freeport LNG ở Texas tăng.
Giá khí đốt giao tháng 10 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 6,4 cent, tương đương 2,4%, xuống mức 2,644 USD/mmBtu.
Trong tuần, giá đã tăng khoảng 1% sau khi giảm khoảng 6% vào tuần trước.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes BKR.O cho biết trong báo cáo được theo sát hôm thứ Sáu rằng các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung nhiều giàn khoan dầu và khí đốt nhất trong một tuần kể từ tháng 11, với số lượng tăng tuần thứ hai liên tiếp. Số lượng khí đốt, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng 8 giàn lên 121 giàn.
Công ty tài chính LSEG cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 bang của Mỹ giảm xuống 102,2 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 9 đến nay, giảm từ mức kỷ lục 102,3 bcfd trong tháng 8.
Tuy nhiên, trên cơ sở hàng ngày, sản lượng đang trên đà giảm khoảng 2 bcfd xuống mức thấp sơ bộ gần ba tháng là 100,1 bcfd vào thứ Sáu. Đó là mức giảm sản lượng nhỏ hơn dự kiến vào đầu tuần.
Với thời tiết mát mẻ hơn theo mùa sắp tới, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 100,6 bcfd trong tuần này xuống 96,6 bcfd trong hai tuần tới.
Lượng khí tới 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đạt trung bình 12,7 bcfd từ đầu tháng 9 đến nay, tăng từ 12,3 bcfd trong tháng 8. Con số này so sánh với kỷ lục hàng tháng là 14 bcfd trong tháng 4.
Nguồn:VITIC/Reuter