Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 7 US cent tương đương 0,1% lên 63,27 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giao tháng 5 ở mức 59,77 USD/thùng, tăng 17 US cent tương đương 0,3%.
Đồng USD yếu hơn khiến giá dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều thường giúp giá dầu hưởng lợi.
Cả hai loại dầu đang hướng tới đà giảm 2-3% trong tuần này sau quyết định của OPEC+ tăng dần nguồn cung thêm 2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5-7/2021.
Nga cho biết, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đối với việc tiêu thụ dầu toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023-2024, trong khi sản lượng dầu thô có khả năng sẽ tăng.
Tuy nhiên các nhà phân tích kỳ vọng tồn kho dầu toàn cầu sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu nhiên liệu tăng nhanh trong nửa cuối năm nay khi kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ.
Iran và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các cường quốc khác về việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân, vốn ngăn chặn phần lớn sản lượng dầu của Iran đưa ra thị trường. Điều này làm hồi sinh hy vọng Tehran có thể được Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và bổ sung vào nguồn cung dầu toàn cầu.
Công ty cung cấp thông tin thị trường hàng hóa Kpler dự báo, nếu các cuộc đàm phán Mỹ-Iran tiến tới một thỏa thuận, nước này có thể cung cấp thêm 2 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường thế giới.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) tháng 4, IMF dự báo giá dầu thế giới trung bình năm 2021 tăng thêm 8,49 USD, lên mức 58,52 USD/thùng. Cơ sở để IMF đưa ra dự báo này do các nhà sản xuất đang có xu hướng cắt giảm đầu tư vào thăm dò và khai thác, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dầu thô trong tương lai.
Không chỉ riêng IMF, Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cũng tăng dự báo giá dầu thế giới bình quân năm 2021-2022 thêm 2 USD/thùng lên 62 USD/thùng và 60 USD/thùng tương ứng, trong đó, giá dầu quý II/2021 sẽ tăng lên 65 USD/thùng, nửa cuối năm 2021 giảm nhẹ xuống 61 USD/thùng.
Nguồn:VITIC/Reuters