Dầu thô Brent giảm 19 cent, tương đương 0,2%, ở mức 87,14 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 16 cent, tương đương 0,2%, xuống 83,10 USD.
Cả hai loại dầu đều tăng 2% vào thứ Tư, lên mức cao nhất trong hơn một tháng do dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, đã thúc đẩy hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có khả năng ngừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, trước đó đã nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007, đang làm gia tăng lo ngại rằng việc Fed tập trung vào việc ngăn chặn lạm phát có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu trong tương lai ở quốc gia sử dụng dầu lớn nhất thế giới.
Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd, cho biết: “Đà tăng giá đã kết thúc do lo ngại rằng suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở Mỹ sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu thô”. Ông cho biết thêm: “Dầu thô Mỹ (WTI) đã tăng trên 83 USD/thùng, gần mức giới hạn kỹ thuật cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, điều này cũng khiến các nhà đầu tư cảm thấy thận trọng”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng trước, thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là tăng 0,2% và giảm so với mức tăng 0,4% trong tháng 2, làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ ngừng tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng chịu tác động từ việc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 597.000 thùng, trái ngược với dự báo giảm 600.000 thùng của giới phân tích. Đồng thời, lượng sụt giảm của tồn trữ xăng, dầu thấp hơn dự báo.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết chính quyền có kế hoạch sớm bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ và hy vọng sẽ bổ sung thêm với giá dầu thấp hơn.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ đã tăng cao sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga đồng ý cắt giảm sản lượng.
Do đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm vào nửa cuối năm 2023, điều này sẽ đẩy giá lên cao hơn, Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết hôm thứ Tư.
Nguồn:VITIC/Reuter