menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tăng trong phiên chiều 14/1

15:21 14/01/2022

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên chiều thứ sáu (14/1) do đồng USD giảm, trong bối cảnh kế hoạch giải phóng dự trữ dầu thô từ nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc đã giới hạn mức tăng giá.
 
Dầu thô Brent giao sau tăng 32 US cent, tương đương 0,4% lên 84,79 USD/thùng. Dầu thô Mỹ tăng 11 US cent, tương đương 0,1%, lên 82,23 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng khi đồng USD hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất trong hơn một năm. Đồng USD giảm khiến các hợp đồng dầu bằng USD trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, mức tăng đã bị hạn chế sau khi có báo cáo rằng, Trung Quốc có kế hoạch giải phóng dự trữ dầu vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán như một phần trong kế hoạch do Mỹ phối hợp với các nước tiêu thụ lớn khác phối hợp để giảm giá dầu toàn cầu.
Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ Năm cho biết họ đã bán 18 triệu thùng dầu thô chiến lược dự trữ cho sáu công ty, bao gồm Exxon Mobil XOM.N và một đơn vị lọc dầu Valero Energy Corp VLO.N.
Cũng có những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới khi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao đã lan đến thành phố Đại Liên, đông bắc nước này. Trung Quốc đã đình chỉ một số chuyến bay quốc tế và tăng cường nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát virus tại Thiên Tân.
Nhiều thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, cũng đã khuyến cáo người dân không đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, điều này có thể làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải trong mùa du lịch cao điểm.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Chúng tôi dự báo nhập khẩu dầu vẫn ở mức thấp sau khi Trung Quốc ra lệnh cho các nhà máy lọc dầu tư nhân cắt giảm tốc độ vận hành”.
Tuy nhiên, giá dầu Brent và dầu WTI vẫn tăng tuần thứ tư liên tiếp, được hỗ trợ bởi nguồn cung và những lo ngại về chính trị ở Libya và Kazakhstan và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất năm 2018.
Một số nhà đầu tư cũng lạc quan rằng tác động của Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Một số ngân hàng đã dự báo giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng vào cuối năm nay do nhu cầu dự kiến sẽ vượt cung.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 12%

Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ giảm 12% vào thứ Năm (13/1), xóa bỏ phần lớn mức tăng 14% của ngày thứ Tư, do dự báo về thời tiết bớt lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn trong tuần này so với dự kiến trước đó.

Giá hôm thứ Tư tăng mạnh lên mức cao nhất trong sáu tuần là mức tăng lớn nhất trong một ngày của hợp đồng kể từ tháng 9 năm 2020, sau khi các nhà khí tượng học dự báo thời tiết sẽ lạnh hơn nhiều vào cuối tháng Giêng, buộc một số nhà đầu cơ phải mua vào và nhắc nhở thị trường về mức tăng đột biến diễn ra trong đợt thời tiết lạnh giá tháng Hai năm ngoái ở Texas.

Trong khi đó, mức giảm hôm thứ Năm là mức giảm tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất của hợp đồng kể từ tháng 1 năm 2019.

Các nhà phân tích tại EBW Analytics Group cho biết: “Sự biến động mạnh có thể sẽ còn kéo dài trong 7-10 ngày tới".

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty tiện ích của Mỹ đã rút 179 tỷ feet khối (bcf) khí đốt khỏi kho chứa trong tuần kết thúc vào ngày 7 tháng 1.

Con số này nhiều hơn một chút so với mức 173 bcf được các nhà phân tích ước tính trong cuộc thăm dò của Reuters và so sánh với mức giảm 134 bcf trong cùng tuần năm ngoái và mức giảm trung bình trong 5 năm (2017-2021) là 155 bcf.

Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 2 giảm 58,7 cent, tương đương 12,1%, xuống còn 4,270 USD/mmBtu. Vào thứ Tư, hợp đồng đã tăng vọt lên mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26 tháng 11.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 133,2 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tuần này xuống 132,0 bcfd vào tuần tới khi thời tiết chuyển sang ít lạnh hơn.

Nguồn:VITIC/Reuters