Giá dầu thô Mỹ tăng 2,21 USD tương đương 1,97% lên 114,33 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,51 USD tương đương 2,26% lên 118,23 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đã tăng hơn 7% vào thứ Hai do tình trạng gián đoạn nguồn cung đè nặng lên thị trường.
Theo các nhà phân tích năng lượng, EU phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga chiếm gần 30% nhập khẩu dầu thô của khối này. Về dầu diesel, lượng nhập khẩu từ Nga thậm chí chiếm 80% nhập khẩu của EU. Như vậy, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung một lượng lớn dầu nhập khẩu từ nơi khác, điều này có thể gây sức ép hơn nữa đối với thị trường.
Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cho thấy sản lượng tháng Hai của nhóm này đã thấp hơn mức mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty năng lượng vẫn đang gặp khó khăn trong việc gia tăng số giàn khoan hoạt động, bất chấp giá dầu tăng mạnh.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 3/2022:
Giá dầu tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung dầu gián đoạn.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) vẫn chật vật tìm cách đảm bảo hạn ngạch sản xuất, thâm hụt năng lượng nghiêm trọng trên toàn cầu đã tác động đến giá tăng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga có thể gây ra một “cú sốc” về nguồn cung trên toàn cầu.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Dù vẫn còn quá sớm để biết được tình hình hiện nay sẽ diễn biến như thế nào, nhưng cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi lâu dài cho thị trường năng lượng.
Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã bị áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế. Điều này đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Dù các biện pháp trừng phạt này không nhằm vào thị trường năng lượng, nhưng IEA cho biết các công ty dầu lớn, các hãng vận tải và nhiều ngân hàng đã “tránh hoạt động kinh doanh với Nga”. Ngoài ra, Mỹ và Anh đã công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ nước này.
Theo IEA, không thể đánh giá thấp tác động của khả năng mất nguồn cung dầu từ Nga cho các thị trường toàn cầu.
Cơ quan này cho rằng khả năng gián đoạn trên quy mô lớn trong hoạt động sản xuất của Nga do các lệnh trừng phạt diện rộng cũng như việc các công ty tránh mua dầu của Nga đang đe dọa gây ra một cú sốc về nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Nguồn:VITIC/Reuters