menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng vào phiên chiều 20/10

17:13 20/10/2023

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng vào phiên chiều thứ Sáu (20/10) và đang trên đà tăng tuần thứ hai do lo ngại ngày càng tăng cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và làm gián đoạn nguồn cung từ một trong những quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới.
 
Dầu thô Brent tăng 75 cent lên 93,13 USD/thùng. Dầu thô Mỹ ở mức 90,04 USD/thùng, tăng 67 cent.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự báo thâm hụt ngày càng lớn trong quý 4 sau khi các nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến cuối năm và trong bối cảnh tồn kho thấp, đặc biệt tại Mỹ.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết hôm thứ Năm rằng Washington đang tìm cách mua 6 triệu thùng dầu thô để giao cho Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược vào tháng 12 và tháng 1, khi nước này tiếp tục kế hoạch bổ sung vào kho dự trữ khẩn cấp.

Nhu cầu:

Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu trong tháng 8/2023, tăng 2,3 triệu thùng/ngày, tăng tháng thứ tư liên tiếp. Tăng trưởng nhu cầu dầu chủ yếu được thúc đẩy bởi nhiên liệu vận tải, sự phục hồi liên tục trong ngành du lịch hàng không.
Nhập khẩu dầu thô tháng 9/2023 của Trung Quốc tăng so với một năm trước do du lịch, sản xuất phục hồi, các nhà lọc dầu tăng cường mua vào. Trong tháng 9/2023, Trung Quốc nhập 45,74 triệu tấn dầu thô, tương đương 11,13 triệu thùng/ngày (bpd). Nhập khẩu 9 tháng/2023 tăng 14,6% so với một năm trước đó lên 424,27 triệu tấn hay 11,34 triệu thùng/ngày.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Nga đạt 71,2 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh Bắc Kinh tận dụng được ưu đãi giảm giá và tăng tốc dự trữ dầu thô Nga. Tuy nhiên, xét về giá trị, nhập khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc đứng ở mức 38,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc mua thêm dầu của Nga sau khi nhiều nước phương Tây dần tách khỏi nguồn dầu này vì các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Sau lệnh cấm vận của G7 và việc áp trần giá dầu của Nga năm ngoái, Moskva cũng tích cực chuyển hướng dòng dầu của mình sang châu Á.
So sánh giữa các nước, Nga một lần nữa vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Saudi Arabia xuất khẩu sang Trung Quốc 60,1 triệu tấn dầu trị giá 36,49 tỷ USD. Đứng thứ ba là Iraq, cung cấp 40,3 triệu tấn dầu trị giá 23,04 tỷ USD.
Lượng nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhiên liệu vận tải tăng trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, kéo dài từ cuối tháng 9 đến tuần đầu tiên của tháng 10. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng phục hồi trong tháng 9, PMI sản xuất tháng 9 tăng lên 50,2, trên mức 50 điểm.
Trước đó, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đợt thứ tư cho năm 2023, nâng khối lượng trong năm lên 203,64 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2022.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng 272 nghìn thùng/ngày tháng 8/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, đạt 60,1 điểm trong tháng 8/2023 so với 57,7 điểm trong tháng 7/2023.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 7/2023, giảm 157 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ 11 giảm liên tiếp. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu xu hướng giảm trong hơn năm, do ảnh hưởng bởi hoạt động yếu của khu vực công nghiệp và lạm phát cao.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở OECD châu Âu vẫn yếu trong hơn một năm, chủ yếu là do áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm 3%
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm khoảng 3% vào thứ Năm (19/10) xuống mức thấp nhất trong hai tuần do kho dự trữ lớn hơn dự kiến, sản lượng kỷ lục và dự báo thời tiết ôn hòa và nhu cầu sưởi ấm ít hơn dự kiến cho đến đầu tháng 11.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty điện lực đã bổ sung 97 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 13 tháng 10.
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 9,9 xu, tương đương 3,2%, xuống mức 2,957 USD/mmBtu, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 10.
Với thời tiết ôn hòa hơn sắp tới, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 97,6 bcfd trong tuần này xuống 96,9 bcfd vào tuần tới.
Dòng khí tới bảy nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên 13,5 bcfd từ đầu tháng 10 đến nay với sự trở lại của nhà máy xuất khẩu Cove Point của Berkshire Hathaway Energy ở Maryland, tăng từ 12,6 bcfd trong tháng 9.

Nguồn:VITIC/Reuter