Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang cố gắng thuyết phục các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt tăng sản lượng nhằm giúp giảm giá nhiên liệu toàn cầu.
Trả lời kênh truyền hình Deutsche Welle, Thủ tướng Scholz đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng nguồn cung khí đốt, nhiên liệu, tất cả những điều kiện cần thiết để các nước có thể thanh toán chi phí.
EU và Mỹ đang thảo luận với tất cả các quốc gia khai thác dầu khí và cố gắng thuyết phục các nước tăng sản lượng, giúp ích cho thị trường thế giới.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo xung đột tại Ukraine có thể gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Theo IEA, sau khi giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng Tư, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể giảm đến 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022.
Hiện Mỹ và một số nước giàu có đã quyết định trích kho dự trữ khẩn cấp để giúp bình ổn giá dầu thế giới.
Trong động thái liên quan, ngày 23/5, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman cho biết Riyadh hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới với Tổ chức các Nước Xuất khảu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, bao gồm cả Nga, đồng thời khẳng định OPEC+ sẵn sàng tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu.
Ông Abdulaziz cũng cho rằng OPEC+ cần được độc lập khỏi vấn đề chính trị, đồng thời nhấn mạnh "thế giới nên đánh giá cao giá trị" của liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ này.
Giữa lúc giá dầu đã ghi nhận các mức cao nhất trong một thập kỷ qua, thỏa thuận hạn ngạch sản lượng của OPEC+ được áp dụng từ tháng 4/2020 dự kiến sẽ hết hạn trong ba tháng tới.
Ông Abdulaziz nói thêm hiện còn quá sớm để đề cập đến một thỏa thuận mới, giữa lúc thị trường năng lượng vẫn đang đối mặt với những bất ổn, song ông cho rằng OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu.
OPEC+ đã đạt được thỏa thuận hạn ngạch vào năm 2020, theo đó các nước thành viên của liên minh tăng tổng sản lượng mỗi tháng với số lượng khiêm tốn 430.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, sản lượng của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022./.
Nguồn:Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)